“Quá trình chuyển đổi bao giờ cũng rất khó khăn và chuyển đổi số thì càng khó khăn hơn, vì đây là phương thức phát triển mới, là vấn đề chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm…”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số ngành công an nhân dân lần thứ nhất năm 2022 và công bố Ngày Chuyển đổi số ngành công an, diễn ra hôm nay (ngày 10/10), theo chinhphu.vn.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương…

Đáp ứng yêu cầu quản trị xã hội bằng công nghệ số

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thăm gian trưng bày các sản phẩm về chuyển đổi số (ảnh: VGP)

Hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, Chính phủ lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thủ tướng lưu ý, các dịch vụ hành chính công của ngành công an là những dịch vụ rất gần gũi, sát thực với người dân, số lượng thực hiện lớn, nên Bộ Công an cần phát huy tính tiên phong để tạo sức lan tỏa lớn. Việc thực hiện thủ tục trên môi trường số vừa thúc đẩy sự phát triển, vừa hạn chế tiêu cực, tham nhũng, phiền hà, sách nhiễu với người dân và doanh nghiệp.

“Thời gian qua, Bộ Công an đã quyết liệt hành động, khẳng định vai trò tiên phong, nòng cốt và quyết tâm chính trị trong quá trình chuyển đổi số công tác quản lý dân cư, đặc biệt là thể hiện qua việc triển khai ‘Đề án 06’, một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả, phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phục vụ nhân dân, nhưng cũng là nhiệm vụ rất khó…”, Thủ tướng đánh giá.

Tuy nhiên, Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, an toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu còn nhiều hạn chế.

Trước thực tiễn trên, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an cần thống nhất nhận thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt vai trò thường trực trong tổ chức triển khai Đề án 06 của Chính phủ, trọng tâm là ứng dụng hiệu quả hệ thống định danh và xác thực điện tử để khai thác thông tin của chủ thể danh tính điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; phục vụ các dịch vụ định danh và xác thực điện tử cho cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan; đẩy nhanh quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo hướng đơn giản, thuận lợi, giảm phiền hà cho người dân, qua đó giúp người dân, doanh nghiệp thấy được những lợi ích thiết thực của Đề án 06, góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số, quản trị thông minh.

Theo Bộ Công an, về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác, tính đến ngày 19/9, Bộ Công an đã triển khai kết nối chính thức đối với 12 đơn vị, bộ, ngành, 14 địa phương và 3 cục nghiệp vụ ngành công an. Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, triển khai sổ sức khỏe điện tử, tích hợp thông tin khám chữa bệnh của công dân lên ứng dụng VNeID; tổ chức xác thực dữ liệu thông tin thuê bao với 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone để làm sạch nhằm giải quyết tình trạng SIM rác. Đến nay, đã cấp hơn 73 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip trên tổng số gần 82 triệu công dân đủ điều kiện làm căn cước.

“Giao Bộ Công an phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ về quy mô, quy trình thủ tục xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn quốc gia, bảo đảm kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an ninh mạng, an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là các hệ thống kết nối phục vụ chuyển đổi số quốc gia…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, nghiên cứu ứng dụng công nghệ số và các sản phẩm của cuộc Cách mạng khoa học lần thứ 4 trong công tác nghiệp vụ ngành công an nhằm bảo đảm các yêu cầu phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo điều hành của lực lượng công an với các trung tâm chỉ huy, chỉ đạo, xử lý điều hành thông tin đa nhiệm; hỗ trợ chỉ huy và triển khai công tác nghiệp vụ, giữ gìn an ninh trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm của ngành công an một cách tổng thể; đáp ứng yêu cầu quản trị xã hội bằng công nghệ số theo chức năng quản lý Nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của lực lượng công an.

Thứ ba, ngành công an cần nghiên cứu, có các cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp để thu hút chuyên gia, nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào phục vụ trong ngành công an. Đồng thời, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ thành công của các quốc gia tiên tiến để thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số ngành công an, tạo sự lan tỏa, góp phần xây dựng Chính phủ số, công dân số, nền kinh tế số, xã hội số./.