Lý giải về sự tăng trưởng 25% của chỉ số chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm nay, TS. Nguyễn Sơn cho rằng, đây là sự tăng trưởng tốt, phù hợp vì mục tiêu kép Việt Nam đạt được là kiểm soát dịch bệnh, trong vòng 3-4 tháng đầu năm kiểm soát rất tốt. Tăng trưởng GDP thấp so với mục tiêu đặt ra nhưng so với các nước trong khu vực là ấn tượng.

TS. Nguyễn Sơn: Dòng tiền mạnh tạo hiệu ứng tích cực, chứng khoán còn dư địa tăng
TS. Nguyễn Sơn cho rằng, thị trường chứng khoán, vàng, bất động sản có sự luân chuyển giao thoa là bình thường

Thứ hai, dòng vốn dồi dào với mặt bằng lãi suất ổn định, khá thấp, tín hiệu này sẽ còn kéo dài trong một vài năm nữa vì Fed chưa tăng lãi suất cơ bản, kỳ vọng Ngân hàng trung ương Việt Nam giữ nguyên trong thời gian nữa, lãi suất thấp tiếp tục đi vào các khu vực của thị trường gồm cả chứng khoán.

Thứ ba, dòng vốn rẻ chưa quay lại tập trung cho sản xuất kinh doanh nhỏ, thị trường chứng khoán, vàng, bất động sản cũng có sự luân chuyển giao thoa, đây là chuyện bình thường. Báo cáo Ngân hàng Trung ương hiện nay dư nợ cho vay chứng khoán chỉ chiếm 0,48% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, vẫn đang giới hạn ở tầm kiểm soát, chưa phải nóng. Dòng tiền phát ra từ ngân hàng kiểm soát tốt, dòng vốn margin do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước quản lý cũng nằm trong tầm kiểm soát. Dòng tiền của khu vực dân cư trước đây đầu tư vào lĩnh vực khác tạm thời đưa vào chứng khoán tạo hiệu ứng tăng cho thị trường chứng khoán.

TS. Nguyễn Sơn dẫn câu chuyện của TTCK quốc tế cho biết, tăng trưởng thị trường chứng khoán toàn cầu tốt, đơn cử như chứng khoán Mỹ trong giai đoạn tăng trưởng cao nhất mọi thời đại dù kinh tế Mỹ cũng có khó khăn do đại dịch. Câu chuyện tăng trưởng vốn ở các nước khá cao. Khu vực doanh nghiệp một số lĩnh vực tài chính, đầu tư, sản xuất một số khối ngành cũng có điểm sáng.

TS. Nguyễn Sơn: Dòng tiền mạnh tạo hiệu ứng tích cực, chứng khoán còn dư địa tăng

“Tôi không nghĩ rằng thời điểm này là bong bóng tài sản, trong đó có chứng khoán nhưng đây là giai đoạn chúng ta cần kiểm soát chặt dòng tiền, cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng vì tăng trưởng giá cổ phiếu phụ thuộc vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Sơn nhấn mạnh.

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch VSD cho biết, toàn TTCK Việt Nam hiện có khoảng 3,3 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước, trong đó 6 tháng đầu năm 2021 có thêm 500.000 tài khoản và con số này đang tăng lên. Về khối ngoại, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài hiện thời 49,5 tỷ USD. Hàng tháng về cơ bản dòng vốn ngoại bán ròng, nhưng mức độ bán ròng không nhiều, dòng tiền không rút khỏi Việt Nam mà để trên tài khoản tiền mặt đang chờ đợi cơ hội đầu tư mới. Trong khi đó, chứng khoán Việt Nam vốn thuộc nhóm thị trường cận biên, họ giải ngân hợp lý, giải ngân vào thị trường ở mức độ thấp.

Cũng theo ông Sơn, số lượng tài khoản tăng nhưng tài khoản giao dịch thường xuyên mới tạo nên giá trị cốt lõi cho thị trường. Hiện nay các công ty chứng khoán hỗ trợ margin, miễn phí giảm phí thì có hiện tượng các nhà đầu tư mở sang các công ty khác nên dẫn đến số tài khoản mở mới gia tăng.

“Với mức tăng trưởng hiện nay, chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng nữa”, TS. Nguyễn Sơn dự báo. Tình hình kiểm soát dịch bệnh như hiện nay thì các dự án đầu tư mới chưa vào triển khai, các dự án đang làm hoặc đi vào làm vẫn chủ yếu là sắt thép năng lượng tái tạo cho nên đâu đó dòng tiền vẫn vào chứng khoán, tài khoản chứng khoán mở mới vẫn tăng trưởng, dù không thể 500.000 nhưng khoảng 300.000 tài khoản nữa từ nay đến cuối năm. Chúng ta đưa ra mục tiêu khoảng 5% tài khoản trên tổng dân số Việt Nam tức là khoảng 5 triệu tài khoản”, ông Sơn nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Sơn: Dòng tiền mạnh tạo hiệu ứng tích cực, chứng khoán còn dư địa tăng
Theo TS. Nguyễn Sơn, số lượng tài khoản tăng nhưng tài khoản giao dịch thường xuyên mới tạo nên giá trị cốt lõi cho thị trường

Cuộc tọa đàm "Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán" do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 29/6 có sự tham gia của TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia độc lập. Các chuyên gia cùng chia sẻ góc nhìn về các chỉ tiêu kinh tế 6 tháng, dự báo tương lai thị trường chứng khoán trong mối quan hệ với nền kinh tế vĩ mô Việt Nam cũng như những chuyển động lớn trên thị trường tài chính quốc tế.

Tạp chí Kinh tế và dự báo sẽ tiếp tục cập nhật chia sẻ của diễn giả trong các tin, bài tới.