Dấu mốc xây dựng khung pháp lý, phát triển ngành chứng khoán Việt Nam
Trong suốt hành trình từ lúc thai nghén đến các giai đoạn xây dựng sau này, Việt Nam chọn cách thành lập cơ quan quản lý nhà nước trước và từ đó xây dựng cơ chế chính sách cho TTCK rồi đưa thị trường chính thức đi vào hoạt động. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, TTCK được hình thành và đi vào hoạt động một thời gian thì sau đó cơ quan quản lý nhà nước mới xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động trên thị trường.
Ngược dòng lịch sử, tư tưởng, quan điểm về việc hình thành thị trường chứng khoán (TTCK) nhằm tạo kênh huy động vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được Đảng và Nhà nước đặt ra và xác định cụ thể từ đầu những năm 1990. Hội nghị đại biểu giữa kỳ khóa VII năm 1994 đã đề ra chủ trương phát triển các hình thức công ty cổ phần, từng bước mở rộng việc phát triển và lưu thông các loại cổ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, tạo tiền đề thiết lập TTCK. Quan điểm và tư duy lý luận về phát triển TTCK, góp phần hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta liên tục được kế thừa, bổ sung, hoàn thiện hơn qua các kỳ Đại hội Đảng.
Hội thảo xây dựng Luật Chứng khoán (năm 2005)
Thực hiện sự chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Bộ Tài chính, UBCKNN luôn xác định nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật về chứng khoán và TTCK là một trong những trọng tâm trong xây dựng và phát triển TTCK.
Ngày 11/7/1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK, đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng khung khổ pháp lý cho TTCK. Trên cơ sở đó, các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành, bước đầu tạo cơ sở pháp lý cho việc khai trương và đi vào vận hành TTCK ở Việt Nam từ tháng 7/2000 với sự ra đời của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.
Sau một thời gian thị trường đi vào hoạt động, Nghị định số 48/1998/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều hạn chế do được xây dựng khi chưa có thực tiễn hoạt động của thị trường. Những bất cập trong khung khổ pháp lý là một trong những rào cản khiến TTCK non trẻ của Việt Nam không có nhiều chuyển biến mang tính bứt phá, khó phát triển được. Trên cơ sở kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn quản lý, ngày 28/11/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2003/NĐ-CP thay thế Nghị định số 48/1998/NĐ-CP. Nghị định số 144/2003/NĐ-CP cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo khung pháp lý tương đối đồng bộ về các hoạt động trên thị trường như phát hành, niêm yết, kinh doanh, giao dịch, công bố thông tin, xử lý vi phạm...
Tuy nhiên, trước yêu cầu đòi hỏi phải nâng cao hiệu lực pháp lý của văn bản pháp luật về chứng khoán, đồng thời để tạo được lòng tin cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được dòng vốn, tạo đà phát triển cho thị trường, khắc phục mâu thuẫn, xung đột với các văn bản pháp luật có liên quan, vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật Chứng khoán, bảo đảm tính hiệu lực pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong điều chỉnh hoạt động về chứng khoán và TTCK.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và trên cơ sở thực tiễn hoạt động của TTCK Việt Nam, Bộ Tài chính đã tham mưu chỉ đạo UBCKNN xây dựng Luật Chứng khoán trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành. Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành 01/7/2007. Đây là dấu mốc quan trọng nhất trong quá trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán và TTCK, kể từ khi TTCK đi vào hoạt động. Sau 4 năm thực hiện, để góp phần tiếp tục đưa TTCK Việt Nam hội nhập sâu rộng với TTCK các nước trong khu vực và trên thế giới, Luật Chứng khoán năm 2006 được sửa đổi, bổ sung. Ngày 24/11/2010, Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua.
Luật Chứng khoán năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010) và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thực hiện Luật đã tạo khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất điều chỉnh hoạt động chứng khoán và TTCK. Trên cơ sở đó, TTCK đã phát triển nhanh và tương đối ổn định, góp phần phát triển kinh tế của đất nước.
Hội thảo chương trình xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi (năm 2010) |
Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta đã chỉ ra bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Theo đó, khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế. Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã có và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN trong năm 2015 mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Sau 30 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều và có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh mới, cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của TTCK, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để thúc đẩy phát triển TTCK nhanh, bền vững. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thi hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán.
Với mục đích, nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019; Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 03/12/2019 (Lệnh số 18/2019/L-CTN). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, thay thế Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
Hội nghị phổ biến Luật Chứng khoán 54/2019/QH14 (năm 2020) |
Luật Chứng khoán năm 2019 gồm 10 chương, 135 điều, đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó có việc phát triển TTCK; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực thi Luật Chứng khoán hiện hành, đáp ứng yêu cầu phát triển tất yếu của nền kinh tế. Luật cũng đã bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng. Phạm vi điều chỉnh trong Luật Chứng khoán năm 2019 được mở rộng theo hướng bao quát toàn diện các hoạt động về chứng khoán và TTCK:
Thứ nhất, quy định rõ các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn TTCK phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cũng như xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý TTCK trong việc thực hiện các biện pháp mang tính phòng ngừa cũng như kịp thời khắc phục, xử lý các sự cố, biến động bất thường của TTCK;
Thứ hai, cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng;
Thứ ba, chuẩn hóa điều kiện, trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán, tiêu chuẩn công ty đại chúng nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK, qua đó giảm thiểu rủi ro cho NĐT;
Thứ tư, bổ sung quy định tạo cơ sở pháp lý thực hiện tái cấu trúc thị trường giao dịch chứng khoán theo hướng hình thành các công ty con hoạt động chuyên biệt theo từng thị trường, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, đồng thời mở ra cơ hội để các SGDCK và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có thể chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần khi điều kiện cho phép;
Thứ năm, mở rộng phạm vi hoạt động, các dịch vụ được cung cấp, tạo điều kiện tốt hơn cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán;
Thứ sáu, bổ sung thẩm quyền của UBCKNN trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin có liên quan để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm, tăng cường cơ chế phối hợp giám sát giữa UBCKNN với các cơ quan khác như thuế, đăng ký kinh doanh, với các cơ quan quản lý TTCK các nước, nâng mức phạt tiền hành chính tối đa đối với các hành vi vi phạm về chứng khoán và TTCK.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành 05 nghị định và Bộ Tài chính đã 15 thông tư quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thực hiện Luật. Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thực hiện nêu trên đã tạo khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ tốt của quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát sinh và thông lệ quốc tế, bảo đảm nền tảng pháp lý cần thiết cho giai đoạn phát triển mới của TTCK.
Việc thi hành pháp luật về chứng khoán và TTCK hiện hành góp phần cải thiện chất lượng hàng hóa, chất lượng các doanh nghiệp trên TTCK, thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng tính công khai, minh bạch, bảo đảm TTCK hoạt động bền vững, an toàn, chuyên nghiệp, hiện đại. Bên cạnh đó, cũng tạo cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tăng niềm tin của thị trường. Qua đó, khuyến khích mạnh mẽ tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, góp phần nâng tầm TTCK Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong tình hình mới./.
Bình luận