Đầu năm 2017, thời tiết bất thường ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến ngày 15/02/2017, cả nước đã gieo cấy được 2.849 nghìn ha lúa Đông Xuân, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương ở miền Bắc đã gieo cấy đạt 932,3 nghìn ha lúa Đông xuân, bằng 130,6% cùng kỳ. Miền Nam đã cơ bản kết thúc xuống giống lúa Đông xuân, tổng diện tích đạt 1.917,1 nghìn ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống đạt 1.538,2 nghìn ha, bằng 99,1% cùng kỳ, đã thu hoạch đạt 524.255 ha, năng suất ước đạt 60 tạ/ha.
2 tháng đầu năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình xuất, nhập khẩu, lưu thông vận chuyển sản phẩm chăn nuôi trên thị trường góp phần bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là nguy cơ lây lan cúm A/H7N9. Ước tính tháng 2/2017, đàn trâu, bò phát triển ổn định, ước tính đàn trâu cả nước giảm khoảng 0,1%, đàn bò tăng khoảng 1,9%-2,1% so với cùng kỳ năm 2016; đàn lợn tăng khoảng 4,5%-5,2%; đàn gia cầm tăng khoảng 4,3%-4,8%.
Đối với lĩnh vực thủy sản, ước sản lượng khai thác trong tháng đạt 174.000 tấn. Như vậy, 2 tháng đầu năm sản lượng khai thác đạt 389 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ; trong đó khai thác biển ước đạt 373 nghìn tấn, tăng 1,3%; khai thác nội địa ước đạt 16 nghìn tấn. Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ở 3 tỉnh miền Trung đạt 3.560 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 2 ước đạt 253.000 tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng, sản lượng nuôi trồng đạt 463.000 tấn, tăng 1,2%. Cụ thể, diện tích nuôi cá tra ước đạt 2.154ha, giảm 10,6%; sản lượng ước đạt 179.700 tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích thả nuôi tôm cả nước đạt 448.300ha, tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2016; sản lượng ước đạt 43.700 nghìn tấn, tăng 23,89%. Riêng vùng ĐSBSCL, diện tích nuôi tôm nước lợ là 438.700ha với sản lượng ước đạt 39.300 tấn. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 852.000 tấn, tăng 3% so với tháng 2/2016.
Toàn cảnh buổi họp báo
Hai tháng đầu năm 2017, do thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là vụ Đông Xuân ấm, mưa dứt muộn ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; mưa trái mùa xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh Nam Bộ... đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất trồng trọt, đặc biệt là sản xuất lúa, cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.
Trong đó, với cây điều, hiện có 27.400 ha bị nhiễm bọ xít muỗi, trong đó diện tích nhiễm nặng là 6.000 ha (chủ yếu ở Lâm Đồng). Bên cạnh đó, hiện có 33.000 ha lúa của 5 tỉnh Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp bị sâu lăn, trong đó diện tích bị nhiễm nặng là 15.000 ha (chủ yếu ở Kiên Giang và Long An).
Tại các tỉnh phía Bắc, vụ Đông Xuân ấm và ít mưa đã ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển, đặc biệt việc ra hoa, thụ phấn của cây vải, nhất là giống vải thiều Thanh Hà, giống vải chủ lực trong sản xuất loại quả này hiện nay.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, ngay từ đầu năm 2017, toàn ngành nông nghiệp quyết tâm, bám sát tình hình cụ thể để đưa ngay các giải pháp phát triển sản xuất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế ngành không thấp hơn 2,8%. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng toàn ngành quyết tâm để bù lại sự tăng trưởng chậm của năm 2016.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt theo dõi, nắm bắt chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là trên lúa, điều, tiêu, cà phê… để đưa ra phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Cùng với yêu cầu theo sát, dự báo chính xác tình hình sâu bệnh vụ Đông Xuân và Hè Thu, Cục Trồng trọt sẽ hướng dẫn các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long bố trí cơ cấu gieo cấy lúa hợp lý, tránh tập trung quá nhiều vào gieo sạ các giống lúa nếp do có thể gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ.
Do nhãn, vải ra hoa muộn ở miền Bắc, Cục Trồng trọt sẽ tập trung cán bộ chủ động hướng dẫn người dân áp dụng các gói kỹ thuật, cố gắng chăm sóc nhằm khắc phục thiệt hại nếu có.
Về lĩnh vực thủy sản, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất 2 loại thủy sản chính là tôm và cá tra. Trước mắt, Tổng cục Thủy sản sẽ sớm hoàn thành kế hoạch tổng thể phát triển ngành tôm theo đúng tinh thần Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể là trong tháng 3 trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về phát triển ngành tôm Việt Nam. Đối với cá tra, Tổng cục Thủy sản sẽ bảo đảm đủ giống và chất lượng giống tốt. Theo dự báo, năm nay giá cá tra sẽ duy trì ổn định ở mức cao./.
Bình luận