Nỗ lực không ngừng!

Nhằm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại Thái Nguyên, ngay từ đầu năm 2017, Ban Quản lý các khu công nghiệp Tỉnh đã đẩy mạnh việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, rà soát, hoàn thiện và điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp theo tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đến với khu công nghiệp ở Thái Nguyên đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ ở mức cao nhất với các thủ tục đầu tư nhanh gọn, công khai, minh bạch, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án đều được giải quyết dứt điểm…

Công tác quản lý nhà nước về môi trường luôn được Ban quan tâm bằng cách đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Ban còn tích cực hỗ trợ công trình bảo vệ môi trường của Dự án đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp Điềm Thụy nhanh chóng đi vào hoạt động, để góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp này.

Một góc Khu Công nghiệp Điềm Thụy, Thái Nguyên

Cùng với hoạt động thu hút đầu tư, trong các tháng đầu năm 2017, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đã chú trọng việc quản lý sau cấp phép đầu tư, thường xuyên phối hợp với các đơn vị tư vấn giám sát kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng các dự án và các nhà máy theo quy hoạch và giấy phép xây dựng đã được cấp.

Đồng thời, thực hiện rà soát tiến độ đầu tư của các dự án đầu tư trong khu công nghiệp theo quy định, đôn đốc, nhắc nhở một số doanh nghiệp chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án, như: Tea Young Metal, Khoáng sản Hà Thành, Yestech Global, Erang Vina…

Với những nỗ lực trên, từ đầu năm đến nay, Ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã đón tiếp và làm việc với trên 50 đoàn nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp của Tỉnh.

Qua đó, Ban đã thực hiện thẩm định hồ sơ và cấp mới 19 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án FDI và 9 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư 9,37 triệu USD và gần 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban còn điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 48 dự án. Trong đó, 12 dự án tăng tổng vốn đầu tư 70,4 triệu USD và 15 tỷ đồng; 3 dự án giảm vốn đăng ký đầu tư là 239 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến nay, trong các khu công nghiệp của Tỉnh đã có 177 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, gồm: 88 dự án FDI và 89 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 7,04 tỷ USD và 12.038 tỷ đồng. Trong đó, đã có 106 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 100.901 người.

8 tháng năm 2017, tổng doanh thu tiêu thụ của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ước đạt 17,7 tỷ USD và 3.197 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt 3.633 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu ước đạt 16,6 tỷ USD; giá trị nhập khẩu ước đạt 11,2 tỷ USD.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư

Trong các tháng cuối năm 2017, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên xác định nhiệm vụ là tiếp tục thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, ưu tiên các nhà đầu tư có đủ năng lực, trình độ quản lý, các dự án có công nghệ cao, có khả năng nộp ngân sách lớn.

Theo đó, để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh, Ban Quản lý sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án, nhất là các dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, cũng kiên quyết thu hồi 5 dự án chưa triển khai trong Khu Công nghiệp Sông Công I và 2 dự án thuê nhà xưởng trong Khu Công nghiệp Điềm Thụy.

Đôn đốc các nhà thầu, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tiếp tục triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng kỹ thuật, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, còn tổ chức đào tạo tiếng Hàn Quốc cho người lao động, giới thiệu việc làm cho khoảng 2.000 lao động có nhu cầu vào làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp…/.

Tổng quan về KCN Điềm Thụy

Khu Công nghiệp Điềm Thụy được thành lập năm 2012 tại xã Điềm Thụy và xã Hồng Tiến, huyện Phú Bình và Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với diện tích 180ha. Khu công nghiệp này có vị trí giao thông thuận lợi, như: cách Quốc lộ 3 khoảng 2km; Cách đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên khoảng 1km; Cách sân bay Nội Bài 40km (50 phút đi xe ô tô); Cách cảng Đa Phúc 20km; Cách Hà Nội 60km (1h đi xe ô tô); Cảng Hải Phòng: 160km (2,5h đi xe ô tô); Samsung Thái Nguyên: 5km; Samsung Bắc Ninh: 35km.

Hiện nay, Khu công nghiệp đang có nhiều chính sách thu hút đầu tư:

1. Đối với doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao: Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm; Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Đối với các doanh nghiệp không được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao: Từ 1 tháng 01/2016, thuế thu nhập doanh nghiệp là 17% trong thời hạn 10 năm tính từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ dự án đầu tư; Được miễn thuế 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo; Nhà đầu tư được miễn thuế nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư và các ưu đãi khác theo quy định của Pháp luật Việt Nam.