Muôn vàn lý do để không giảm giá cước

Từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu, so với thời điểm 01/01/2016, xăng Ron 92 giảm 4 lần, tổng mức giảm 2.650 đồng một lít (16%), dầu diezen giảm 3 lần, tổng mức giảm 2.400 đồng một lít (giảm 20%). Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện cả nước mới chỉ có 1/4 tuyến cố định thực hiện việc giảm giá cước vận tải (978/4.000 tuyến); 1/3 hãng taxi giảm giá cước (363/1.000 hãng)...

Trước tình trạng trên, ngày 22/02/2016, tại họp về giảm giá cước vận tải bằng xe ô tô do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức, Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đề nghị các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là vận tải taxi và vận tải tuyến cố định ở tất cả các thành phố trên địa bàn cả nước cần tính toán và giảm giá ngay trong đợt này. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp cần công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng về vấn đề giá cước vận tải để đông đảo người dân được biết.

"Doanh nghiệp có nhiều lý do khác nhau để chậm giảm giá, trong khi xăng tăng thì lại tăng giá rất nhanh. Trong các nguyên nhân có lý do thu phí đường BOT, theo quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là phải tách bạch, không thể lấy cái này bù cái kia", Thứ trưởng Trường nói.

Tuy nhiên, hiệp hội vận tải cũng như các doanh nghiệp vận tải viện ra rất nhiều lý do để không giảm giá cước vận tải. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, giá cước vận tải là do nhiều yếu tố tạo thành trong đó có giá nhiên liệu. Vì vậy, không phải cứ giá nhiên liệu giảm thì phí cước vận tải cũng giảm. Đồng thời, mỗi lần tăng - giảm cước vận tải, doanh nghiệp phải chịu chi phí không nhỏ trong việc điều chỉnh giá. Bên cạnh đó, Ông Thanh cũng đưa ra nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp vận tải, như: giá xe ảnh hưởng giá vận tải, có xe đầu tư 3-4 tỷ đồng, song có xe chỉ vài trăm triệu, có xe chỉ chạy đường BOT... Trong khi đó, hiện có nhiều tuyến đường BOT khiến phí đường còn cao hơn phí nhiên liệu. Do đó, chi phí tiền lương, bảo hiểm... nên để doanh nghiệp tự tính toán giá cước.

Cùng với đó, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, mỗi lần thay đổi giá cước là doanh nghiệp phải chi phí khoảng 500.000 đồng cho mỗi đầu xe để dừng hoạt động taxi, tiền in ấn tem, kiểm định lại đồng hồ...

"Chúng tôi đề nghị được tự kê khai tăng giảm giá cước nếu giá xăng tăng giảm 5%-7% theo biên độ mà không phải xin phép, nghĩa là tăng giảm giá 300-500 đồng tùy doanh nghiệp để không tạo áp lực cho doanh nghiệp, người lao động mỗi lần điều chỉnh giá", ông Bình nêu quan điểm.

Cần sự vào cuộc của các bên

Trước tình hình trên, Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Hồng Trường cho biết, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội vận tải theo định kỳ, với mục tiêu đổi mới quản lý nhằm hướng tới sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp, tạo ra tiếng nói chung của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo công tác quản lý vận tải, tạo thị trường vận tải công khai, minh bạch.

“Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính cần cùng với doanh nghiệp làm rõ các vấn đề về giá cước vận tải, cần tìm ra công thức, đưa ra mốc cụ thể khi giá nhiên liệu tăng - giảm thì giá cước vận tải cần tăng - giảm theo và giá cước tăng - giảm bao nhiêu phần trăm thì cần phải kê khai báo cáo cơ quan quản lý nhà nước” Thứ trường Trường nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trường cũng đề nghị các hiệp hội vận tải và các doanh nghiệp vận tải của các thành phố lớn cần có trách nhiệm chủ động trong việc thay đổi giá cước vận tải khi giá nhiên liệu thay đổi một cách kịp thời, phù hợp với thị trường. Cùng với đó, Bộ Tài chính cần sớm ban hành quy trình triển khai thực hiện kê khai giá một cách đơn giản, thuận tiện nhất đồng thời đề nghị Hiệp hội vận tải phối hợp với Vụ Vận tải kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề kiểm định giá, niêm yết giá một cách phù hợp, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội Taxi TP. Hà Nội, ông Đỗ Quốc Bình kiến nghị, các bộ, ngành cần thay đổi tư duy quản lý giá cước vận tải, tiếp tục sửa đổi hoàn thiện Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn thực hiện cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Về phía các doanh nghiệp vận tải, Đại diện Taxi Vinasun (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty Vận tải Hoàng Long (Hải Phòng) kiến nghị, cần số hóa các yếu tố cấu thành nên giá cước vận tải. Chẳng hạn, nhiên liệu chiếm bao nhiêu phần trăm cấu thành nên giá cước khi giá nhiêu liệu tăng giảm thì căn cứ đó mà thực hiện. Điều này vừa giúp việc quản lý của các cơ quan quản lý được dễ dàng hơn vừa giúp doanh nghiệp chủ động trong việc báo cáo lên cơ quan chức năng về việc tăng giảm giá cước của doanh nghiệp mình.

Có thể thấy rằng, việc giá xăng dầu và giá cước vận tải không song hành trong thời gian qua có rất nhiều nguyên nhân, các đơn vị quản lý nhà nước, hiệp hội và các doanh nghiệp đều có trách nhiệm. Chính vì vậy, cần có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, để đưa đến một công thức vận hành hợp lý và khoa học. Bởi, tình trạng này càng kéo dài bao lâu thì đối tượng chịu thiết đầu tiên vẫn là người dân, người tiêu dùng./.

Tham khảo từ:

1. Kim Cúc (2016). Bộ GTVT đề nghị các doanh nghiệp tính toán, giảm ngay giá cước vận tải bằng ô tô, truy cập từ http://www.mt.gov.vn/vn/tin-tuc/40539/thu-truong-phu-trach-nguyen-hong-truong-chu-tri-cuoc-hop-ve-giam-gia-cuoc-van-tai-bang-xe-o-to.aspx

2. Ngọc Anh (2016). Không chỉ cước vận tải, giá điện, phân bón,...cũng phải giảm theo giá xăng, truy cập từ http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/thi-truong/cuoc-van-tai-giam-gia-dien-phan-boncung-phai-giam-a133865.html