Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tại dự thảo lần 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023 như năm 2022, theo Tổng cục Thuế.

Theo dự thảo nghị quyết, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng giảm từ 4.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 3.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 2.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu để áp dụng trong năm 2023
Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được đề xuất để áp dụng trong năm 2023 (nguồn: gdt)

Theo Bộ Tài chính, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần kìm hãm sự tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần giảm chỉ số CPI, kiềm chế lạm phát và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi giá xăng dầu vẫn còn ở mức cao.

Dự báo năm 2023, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm vẫn còn ở mức cao (khoảng 95-105 USD/thùng). Điều này sẽ gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế...

Đánh giá tác động của dự thảo nghị quyết, Bộ Tài chính cho rằng, với dự kiến sản lượng tiêu thụ như năm 2019 (giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19), nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên, thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 46.064,4 tỷ đồng và tổng thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) giảm khoảng 50.670,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc quy định tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất vẫn đảm bảo mức thuế trong phạm vi khung thuế đã được quy định và chỉ áp dụng trong năm 2023, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…

Để đảm bảo hoạt động điều hành xăng dầu linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường, khi chủ trì cuộc họp về Kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 và rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, bắt đầu từ ngày 1/1/2023, sẽ thống nhất quản lý hệ thống kinh doanh xăng đầu đối với doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối bằng công nghệ số. Dự kiến tháng 12 sẽ có buổi tập huấn thống nhất việc ứng dụng phần mềm quản lý xăng dầu.../.