Bộ KHCN đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN ngày 12/01/2015 về việc ban hành Quy chế giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Theo dự thảo, Giải thưởng được xem xét trong phạm vi nghiên cứu cơ bản ở 2 nhóm lĩnh vực:

a) Khoa học tự nhiên, Khoa học kỹ thuật và công nghệ, Khoa học y, dược và Khoa học nông nghiệp.

b) Khoa học xã hội, Khoa học nhân văn.

Như vậy, so với Thông tư 01/2015/TT-BKHCN dự thảo đề xuất mở rộng lĩnh vực xét giải thưởng, bổ sung lĩnh vực Khoa học Xã hội, Khoa học Nhân văn.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất sửa cơ cấu giải thưởng. Cụ thể, tối đa 3 Giải thưởng chính (trước đây từ 1 - 3) đối với mỗi nhóm lĩnh vực; tối đa 2 Giải thưởng (trước là 1) dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35) tuổi đối với mỗi nhóm lĩnh vực nêu trên.

Theo Bộ KHCN, việc thay đổi cơ cấu giải thưởng theo hướng tăng giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ nhằm khuyến khích các nhà khoa học trẻ say mê nghiên cứu cơ bản.

Ngoài ra, để Giải thưởng có tính lan tỏa rộng, hướng đến mục tiêu khích lệ nhà khoa học, thúc đẩy khoa học Việt Nam phát triển và hội nhập, dự thảo đề xuất không trao Giải thưởng chính Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho 1 nhà khoa học hơn 1 lần.

Bộ KHCN đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo này trên Cổng TTĐT của Bộ.

Đề xuất mở rộng Giải thưởng Tạ Quang Bửu sang lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học nhân văn

Năm 2022, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho 2 nhà khoa học

Cũng liên quan đến Giải thưởng Tạ Quang Bửu, tháng 5/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng năm 2022. Đây là Giải thưởng nhằm tri ân các nhà khoa học có kết quả xuất sắc trong lĩnh vực cơ bản.

Giải thưởng năm 2022 được trao cho 2 nhà khoa học gồm: Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Ngô Việt Trung - Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lệ Thu - Trưởng Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Giáo sư Ngô Việt Trung nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu nhờ những đóng góp trong lĩnh vực Toán học với Công trình: "Depth functions of symbolic powers of homogeneous ideals."

Công trình của Giáo sư Ngô Việt Trung và Tiến sỹ Nguyễn Đăng Hợp nghiên cứu một bất biến rất cơ bản của Idean là độ sâu, giải quyết được 3 bài toán mở liên quan đến tính tăng của hàm độ sâu, tính hội tụ của hàm độ sâu và tính đạt được mức tuần hoàn cho trước của hàm độ sâu.

Đây là lần đầu tiên một công trình thực hiện tại Việt Nam được đăng trên Tạp chí Inventiones Mathematicae, nằm trong số ít tạp chí toán học hàng đầu thế giới.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lệ Thu nhận giải Tạ Quang Bửu nhờ những thành tích trong lĩnh vực Hóa học với Công trình: “Tailoring the Hard–Soft Interface with Dynamic Diels-Alder Linkages in Polyurethanes: Toward Superior Mechanical Properties and Healability at Mild Temperature."

Công trình của Phó Giáo sư Nguyễn Thị Lệ Thu và cộng sự đã nghiên cứu chế tạo một hệ vật liệu polyuretan mới - polyme tự lãnh với cấu trúc chứa liên kết thuận nghịch Diels-Alder không nằm ngẫu nhiên mà được thiết kế đặc biệt sắp xếp tại bề mặt phân cách giữa pha cứng và pha mềm của polyuretan.

Vật liệu có thể “tự lành” khi xuất hiện vết rạn tế vi giúp sản phẩm có tuổi thọ sử dụng cao, nhờ đó giảm thiểu chi phí sửa chữa, đem lại hiệu quả ứng dụng và hiệu quả kinh tế, giúp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và chất thải.

Kết quả nghiên cứu của Phó Giáo sư Nguyễn Thị Lệ Thu và cộng sự đã góp phần xây dựng một hướng nghiên cứu mới của thế giới, khởi đầu cho việc phát triển các sản phẩm vật liệu mới “tự lành” ở Việt Nam.