Đến năm 2025, 100% các đơn vị sự nghiệp công ứng dụng CNTT trong giao tiếp với người dân

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) làm thay đổi các hoạt động kinh tế - xã hội của con người. Trước xu thế này, Đảng và Chính phủ đã có định hướng xây dựng chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Do vậy, việc xây dựng và thực hiện tốt CMCN 4.0 là cần thiết và cấp bách để tranh thủ lợi ích tối đa của CMCN 4.0, giúp Việt Nam vươn lên trở thành một nước phát triển hiện đại, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới.

Theo Chiến lược, định hướng áp dụng và phát triển các công nghệ của CMCN 4.0 giai đoạn 2021-2030 bao gồm: Áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để quản lý nhà nước thông minh hơn, nhanh hơn, minh bạch hơn và hiệu lực, hiệu quả hơn; đem lại sự hài lòng cao cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 để nâng cấp, chuyển đổi hệ thống sản xuất và kinh doanh hiện tại để tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, cắt giảm chi phí, tìm kiếm thêm thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao năng suất của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện nâng cấp, chuyển đổi công nghệ bao gồm: Hành chính công, điện - nước, y tế, giáo dục, chế tạo, nông nghiệp, vận tải và kho vận, thương mại, thông tin và truyền thông, tài chính – ngân hàng.

Các công nghệ ưu tiên phát triển bao gồm: Kết nối di động 5G và sau 5G; trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật, an ninh mạng...

Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu là xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ, phù hợp với đổi mới sáng tạo và các mô hình kinh doanh mới của thời kỳ CMCN 4.0; đạt vị trí thấp nhất là 60 vào năm 2025, thấp nhất 30 vào năm 2030 về Chỉ số Thể chế trong bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của WEF. Đến 2022, hoàn thành việc xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước trên môi trường số.

Về đầu tư, phát triển hạ tầng kết nối và cơ sở dữ liệu, dự thảo Chiến lược đề ra mục tiêu, đến năm 2025, hạ tầng internet cáp quang và internet di động băng rộng tốc độ cao (4G và 5G) phủ sóng toàn bộ các xã, tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 90%, đến năm 2030, tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 100%.

Đến năm 2025, 100% các cơ quan hành chính thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% các đơn vị sự nghiệp công ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp với người dân và áp dụng thanh toán trực tuyến hoặc thanh toán bằng thiết bị di động... Đến năm 2025 đạt vị trí thấp nhất là 50, đến năm 2030 đạt vị trí thấp nhất là 25 về Chỉ số Tham gia chính phủ điện tử (E-Participation Index - EDGI) của Liên Hợp Quốc

Dự thảo Chiến lược cũng đề ra mục tiêu Việt Nam sẽ đạt vị trí thấp nhất là 60 vào năm 2025, thấp nhất là 30 vào năm 2030 về Chỉ số Ứng dụng ICT trong bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của WEF và về Chỉ số phát triển ICT của Liên minh Viễn thông quốc tế.

Có thể thành lập Ủy ban quốc gia về CMCN 4.0

Nhằm thực hiện thành công các mục tiêu nói trên, dự thảo Chiến lược cũng đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế và cải cách thủ tục hành chính; Phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu; Phát triển nguồn nhân lực; Áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công; Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp; Đầu tư, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển, hướng tới làm chủ một số công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 và công nghệ thế hệ tiếp theo.

Ngoài ra, một số giải pháp khác cũng được đề xuất, như: Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Theo dõi, giám sát, nâng cao trách nhiệm giải trình và thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội.

Đặc biệt, để thực hiện thành công Chiến lược, Dự thảo Chiến lược đề xuất cần có bộ máy chuyên trách để tham mưu và giúp việc cho Chính phủ theo 2 phương án, đó là:

Phương án 1: Kiện toàn, bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đổi tên Ban chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thành “Ban chỉ đạo quốc gia về Tăng trưởng và Cách mạng công nghiệp 4.0”, gọi tắt là Ban chỉ đạo CMCN 4.0.

Phương án 2: Thành lập Ủy ban quốc gia về CMCN 4.0 để thực hiện Chiến lược, gọi tắt là Ủy ban CMCN 4.0.

Ban chỉ đạo CMCN 4.0 hoặc Ủy ban CMCN 4.0 do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm thường trực, có bộ phận giúp việc chuyên trách, bao gồm các cán bộ và nhân viên biệt phái từ các bộ, cơ quan, doanh nghiệp và các chuyên gia độc lập.

Ban chỉ đạo hoặc Ủy ban này có chức năng tham mưu cho Chính phủ về xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các giải pháp của Chiến lược, tham mưu cho Chính phủ lựa chọn các dự án, lĩnh vực công nghệ đầu tư trọng điểm; theo dõi, đánh giá kết quả và điều chỉnh định hướng, giải pháp cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ban chỉ đạo hoặc Ủy ban có các nhóm công tác chuyên môn phụ trách các chương trình hành động (theo ba trụ cột và ba yếu tố nền tảng) của Chiến lược, có hội đồng cố vấn gồm các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước và quốc tế.

Về ngân sách thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, các cơ quan Chính phủ, UBND cấp tỉnh bố trí ngân sách cho các hoạt động thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 theo hướng tăng ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ, cho hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ và phát triển công nghệ của doanh nghiệp, bảo đảm mục tiêu về chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) của Chiến lược; dành riêng phần ngân sách tăng thêm cho nâng cấp, chuyển đổi công nghệ trong các ngành ưu tiên và nghiên cứu phát triển các công nghệ mới của CMCN 4.0./.