Ứng dụng tốt thành tựu của CMCN 4.0, Việt Nam sẽ trở thành 1 cường quốc về nông nghiệp
Quang cảnh Hội thảo
Cơ hội lịch sử để phát triển
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh khẳng định, nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, năm 2017 đã đóng góp hơn 15% tổng GDP cả nước (tăng gần 3% so với năm 2016) với nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước đột phá và phát triển, tuy nhiên vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn như: biến đổi khí hậu; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ... nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
“Việt Nam cần tận dụng cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh, thúc đẩy nghiên cứu, kế thừa, khai thác và ứng dụng những công nghệ mới và tiên tiến trên thế giới vào ngành nông nghiệp”, Thứ trưởng Doanh nói.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Doanh, TS. Đỗ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho rằng, sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang loay hoay ở những bước đi đầu tiên hướng tới ngành kinh doanh nông nghiệp dựa trên nền tảng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại và kết nối chuỗi giá trị trong và ngoài nước.
“Nông nghiệp là ngành có lợi thế nổi trội nhất tại Việt Nam, là ngành luôn luôn xuất siêu, trong khi hầu hết các ngành khác đều trong tình trạng nhập siêu. Nếu Việt Nam ứng dụng thành công khoa học, công nghệ cao vào nông nghiệp, thì chúng ta sẽ trở thành một cường quốc về nông nghiệp”, ông Tuấn nhận định.
TS. Đỗ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn
Theo ông Tuấn, từ sau thời gian đổi mới, từ năm 2010, tăng trường nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần, bởi những lợi thế về đất, lao động, phân bón đang mất dần. Trong thời gian tới, nông nghiệp chỉ còn 1 yếu tố để đẩy mạnh tăng trưởng nông nghiệp đó là khoa học công nghệ.
“Hiện nay, chúng đa đang duy trì ở mức trển 30% đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng nông nghiệp. Trong khi đó, Trung Quốc khoảng 80%, Thái Lan khoảng 60%... Đây là một dư địa lớn để nông nghiệp phát triển”, ông Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng, những cơ hội trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ đang được hỗ trợ rất lớn từ những cơ chế, chính sách hiện nay.
“Trong thời gian vừa qua, một loạt hành lang phát lý đã được đưa ra nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, như: Quyết định 1895/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Quyết định 418/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020... gần đây nhất là Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN, ngày 14/03/2017 phê duyệt tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp áp dụng với tổ chức, các nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch”, ông Tuấn cho biết.
Liên quan đến việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, TS. Hoàng Nguyễn đến từ Đại học California, Davis - một trong 20 nhà khoa học nước ngoài tham dự hội thảo theo Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Việt Nam cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một thời cơ vàng để ngành nông nghiệp Việt Nam thay da đổi thịt. Chính phủ và doanh nghiệp cần tận dụng nguồn giống và quy trình công nghệ của các nước lớn chuyển về Việt Nam, trong quá trình này internet là “cây cầu” vô tận.
“Sẽ cần có thêm nhiều hội đồng hay cơ quan chuyên ngành để giải quyết các rủi ro cho những “cánh đồng lớn”, như việc dự đoán và phản ứng nhanh trước diễn biến của thị trường nông sản, liên kết các viện, trường đại học để cung cấp nguồn chất xám”, TS. Hoàng nói.
Để ứng dụng thành công khoa học, công nghệ trong nông nghiệp
Đề cập đến việc làm thế nào để Việt Nam ứng dụng được những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiêp, đưa nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, đồng thời vươn xa trở thành một cường quốc nông nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, khâu đầu tiên để ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp cần đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực phải quản trị được công nghệ. Các trường đào tạo cần đổi mới phương pháp đào tạo, tăng cường đào tạo thực hành, kỹ năng để phát huy trong môi trường công nghệ hiện đại. Có thể xây dựng thí điểm các khu ứng dụng công nghệ cao theo hình thức chọn một doanh nghiệp trụ cột đầu tư.
“Xây dựng thể chế phát triển nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao, như: cụm liên kết ngành, tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao, công viên nông nghiệp công nghệ cao, vườn ươm sáng tạo, coi đó là các mô hình được kỳ vọng thể hiện cách làm mới hiệu quả hơn trong thu hút đầu tư, giúp tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao trình độ công nghệ trong nước. Phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, tạo việc làm và giải quyết các cấn đề phát triển kinh tế - xã hội khác”, TS. Tuấn nói.
Bên cạnh đó, xây dựng các chính sách ưu tiên hỗ trợ cho ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp (máy móc phân bón, thuốc bảo về thực vật, công nghệ chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch.
Ngoài ra, theo TS. Tuấn, cần xây dựng cơ chế riêng cho Quỹ bảo lãnh tín dụng đối với các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt là cho chế phối hợp của các ngân hành thương mại, tổ chức tín dụng trong công tác thẩm định các dự án đầu tư để Quỹ hoạt dộng hiệu quả, minh bạch, từ đó giúp doanh nghiệp tiếp cận cơ hội vay tín dụng một cách thuận lợi nhất.
Đứng trên góc độ một nhà khoa học làm việc nhiều năm tại Mỹ, TS Nguyễn Hoàng cho rằng, Chính phủ cần tạo cơ chế cho phép trả lương cao cho giảng viên.
“Trả phụ cấp theo thành tích nghiên cứu khoa học quốc tế, thành tích đóng góp cho doanh nghiệp và xét lại mỗi 5 năm. Cho phép doanh nghiệp, hiệp hội trả phụ cấp lương cho giai viên thông qua trường đại học”, TS. Hoàng đề xuất
TS. Hoàng Nguyễn đến từ Đại học California, Davis phát biểu tại Hội thảo
Cùng với đó, TS. Hoàng cũng cho rằng, để các công trình nghiên cứu sát với thực tiễn, cần đưa doanh nghiệp tham gia vào công tác đề xuất, đánh giá nghiên cứu của trường, viện. Liên kết, tận dụng chuyên gia quốc tế vào công tác đào tạo, nghiên cứu và triển khai. Đa dạng hóa vai trò của sinh viên trong một chuyên ngành./.
Bình luận