Đó là khẳng định của TS. Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại diễn đàn “CMCN 4.0: Kinh nghiệm quốc tế và chính sách của Việt Nam” do CIEM phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức sáng ngày 27/11.

GDP có thể tăng thêm 61,2 tỷ USD nhờ CMCN 4.0

Khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, Việt Nam là một nước thu nhập trung bình thấp, đang nỗ lực thực hiện công nghiệp hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Nhấn mạnh vai trò hàng đầu của yếu tố khoa học công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần sớm tiếp cận và có chính sách thúc đẩy Việt Nam tham gia CMCN 4.0.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, cần sớm tiếp cận và có chính sách thúc đẩy Việt Nam tham gia CMCN 4.0

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã và đang xây dựng các chính sách, chiến lược để khai thác sức mạnh của CMCN 4.0, tiêu biểu như Trung Quốc với “Made in China 2025”, Nhật Bản với “Công nghiệp 4.0”, “Xã hội 5.0” hay “Chiến lược hồi sinh Nhật Bản”, Malaysia với My-i4.0…

Việt Nam chưa có chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, nhưng chính phủ cũng đã sớm tiếp cận và có chính sách thúc đẩy tham gia cuộc cách mạng này, trong đó có Chỉ thị số 16, ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tham gia CMCN 4.0. Bên cạnh đó là Nghị quyết số 23 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia.

Để đóng góp cho Dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, nhóm nghiên cứu của CIEM đã tính toán, ước lượng tác động của CMCN 4.0 đến nền kinh tế Việt Nam. TS. Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM chỉ rõ, CMCN 4.0 có thể thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng thêm 28,5-62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng GDP từ 7%-16% đến năm 2030. GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm 315-640 USD/người vào năm 2030 nhờ tăng năng suất và việc làm.

“Tăng trưởng sản xuất nhờ CMCN 4.0 tạo ra việc làm mới với mức tăng thuần ước tính 1,3-3,1 triệu việc làm, một số công việc sẽ giảm đi, trong khi nhiều công việc mới được tạo ra”, ông Vinh nói.

Các ngành hưởng lợi nhiều nhất xếp theo khả năng hấp thụ CMCN 4.0 và tầm quan trọng đó là chế biến chế tạo, thương mại bán lẻ, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng bảo hiểm, thông tin và truyền thông.

Mặt khác, các ngành công nghiệp mới của CMCN 4.0, như thương mại điện tử, AI, phân tích dữ liệu, điện toán đám mây, fintech… sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các ngành khác nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và phát triển sản phẩm dịch vụ mới.

Đối với khu vực công, theo tính toán của CIEM, CMCN 4.0 sẽ giúp lĩnh vực hành chính công tiết kiệm khoảng 0,6 tỷ USD. Lợi nhuận đối với cung cấp điện, năng lượng tăng lên 4,2 tỷ USD, còn trong cấp nước, xử lý nước thải, chất thải tăng khoảng 0,4 tỷ USD, tương đương 16% so với trường hợp không có cuộc cách mạng này.

Những thách thức đi kèm

Mặc dù vậy, quá trình tận dụng và đổi mới trong bối cảnh CMCN 4.0 cũng gặp phải nhiều thách thức. TS. Đặng Quang Vinh nhận định, tuy môi trường kinh doanh Việt Nam có nhiều cải thiện trong những năm gần đây, song thực tế cho thấy còn nhiều khó khăn. Thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam nhìn chung chưa phù hợp với đổi mới sáng tạo. Pháp luật về kinh doanh chậm thay đổi trước các xu hướng công nghệ và thị trường.

Đối với doanh nghiệp, đại đa số doanh nghiệp Việt Nam có trình độ công nghệ thấp và chưa quan tâm đến ứng dụng công nghệ mới. Mặt khác, nhân lực chưa đáp ứng tốt do thiếu kỹ sư, nhất là nười có kỹ năng quản lý dự án.

Nguồn vốn đầu tư cho công nghệ tuy có tăng, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Khối lượng vốn đầu tư mạo hiểm theo quy mô kinh tế ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước như Malaysia hay Indonesia.

Liên quan đến hạ tầng kỹ thuật số, Việt Nam đã có kế hoạch phát triển 5G, nhưng chính sách về băng tần và lộ trình thực hiện vẫn chưa được ban hành, hoặc chưa rõ ràng. Cả nước hiện chỉ có 9 trung tâm dữ liệu chuyên dụng cho các doanh nghiệp, ít hơn nhiều so với các nước láng giềng trong khu vực. Đó là chưa kể, Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ cao nhất xét về đe dọa an ninh mạng.

Về năng lực khoa học công nghệ, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp thứ 84/100 xét về đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và triển khai (tính theo %GDP), nhưng xếp thứ 74/100 nếu xét về số lượng công bố khoa học chia cho GDP (PPP USD). Đã xuất hiện nhiều yếu tố cấu thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo hướng CMCN 4.0, tuy nhiên hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như nhỏ lẻ, phân tán; thiếu hạ tầng cần thiết cho các công ty khởi nghiệp như kết nối internet, phòng thí nghiệm, trung tâm dữ liệu để truy cập thông tin ở Việt Nam và trên toàn cầu; chưa có một hệ thống kinh doanh tích hợp đầy đủ để hỗ trợ hậu cần, cuộc sống người lao động…

Ông Đinh Quang Trung – Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng bổ sung thêm, theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam đang xếp hạng rất thấp ở mức độ phủ sóng mạng di động LTE, cũng như cam kết bảo vệ an ninh, an toàn không gian mạng.

Để nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0

Tóm lại, CMCN 4.0 là cơ hội lớn, mà nếu không nắm được, Việt Nam sẽ tiếp tục bị tụt hậu. Vì vậy, tranh thủ cuộc CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất để đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng, để Việt Nam vươn lên trở thành nước công nghiệp hiện đại trong thời gian sớm nhất. Trên cơ sở đó, TS. Đặng Quang Vinh đề xuất một số nhóm giải pháp cơ bản đề xây dựng nền tảng cho CMCN 4.0:

Thứ nhất, xây dựng nền tảng cho CMCN 4.0. Theo đó, chính phủ cần rà soát, sửa đổi thể chế quản lý kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trên nền tảng số, tạo không gian thê chế cho các thử nghiệm công nghệ. Bổ sung thể chế cho cách ngành công nghiệp mới xuất hiện, nâng cao chất lượng pháp luật và thi hành pháp luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ để khuyến khích đổi mới sáng tạo, R&D.

Đồng thời, cần triển khai 5G trong thời gian sớm nhất; nhanh chóng tăng băng thông internet trong nước và quốc tế, mở rộng mạng lưới đến các địa phương; sử dụng tín dụng ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy nhanh việc hình thành các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Quan trọng không kém là, cần tăng số lượng nhân lực ngành công nghệ thông tin và liên quan. Mở các ngành đào tạo mới về AI, phân tích dữ liệu, mô hình hóa, tự động hóa, điều khiển học; xây dựng các khóa đào tạo kỹ năng tổng hợp kỹ thuật số - chế tạo – quản trị…

Thứ hai, chuyển đổi quản trị nhà nước thông qua xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia CMCN 4.0. Cụ thể, rà soát, sửa đổi các quy định về thúc đẩy R&D và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, thay các chính sách khuyến khích hiện hành bằng các chính sách hiệu quả hơn. Tuyên truyền, giới thiệu, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong doanh nghiệp; xây dựng sổ tay về CMCN 4.0 cho doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực khác nhau; xây dựng sách hướng dẫn doanh nghiệp tự đánh giá độ sẵn sàng cho CMCN 4.0.

Thứ tư, phát triển hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo. Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và thành lập quỹ đầu tư nhà nước; đổi mới hệ thống khoa học, công nghệ, tập trung phát triển một số công nghệ mới.

Ngoài ra, chia sẻ kinh nghiệm của Đức – quốc gia đi tiên phong trong CMCN 4.0, TS. Matthias Kuenzel, chuyên gia tư vấn cấp cao của VDI/VDE-IT cho rằng, số hoá các quy trình tạo đóng vai trò rất quan trọng, không những giúp giảm chi phí, mà còn giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh. Vì thế, chiến lược số hoá phải là ưu tiên hàng đầu trong doanh nghiệp.

Mặt khác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo không chỉ trong phát triển công nghệ, mà còn trong đổi mới tổ chức và quản lý sự thay đổi. Cần đầu tư thích đáng cho phát triển năng lực số cho đội ngũ nhân viên.

Bên cạnh các giải pháp trên, ông Đinh Quang Trung cũng gợi ý, cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm trọng điểm về công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông có tính chất chiến lược, tạo nền tảng, tác động lan tỏa. Hơn nữa, giám sát, cảnh bảo và hướng dẫn xử lý mối đe dọa, nguy cơ an toàn thông tin; nghiên cứu đảm bảo an toàn thông tin đối với các lĩnh vực có phát sinh các thách thức mới./.