Câu trả lời được phần nào giải đáp tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số - lần 3” tại Hà Nội, ngày 21/3/2024. Hội thảo do Học viện Chính sách và Phát triển, Đại học Hà Nội và Đại học Thương mại, là 3 đơn vị đào tạo nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế, chính sách vừa phối hợp tổ chức.

Sự kiện thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp tham dự với mong muốn tạo liên kết trong hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu với thực tiễn, cùng góp sức thúc đẩy hiệu quả và hiện thực hóa chiến lược quốc gia về chuyển đổi số tại Việt Nam.

Đi tìm phương pháp định lượng đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng của Việt Nam
PGS, TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng.

Thế giới chưa có hướng dẫn chung thống nhất về đo lường đóng góp của kinh tế số

Theo PGS, TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm, định hướng và nỗ lực hành động thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Trong bối cảnh cả nước đang hòa mình trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, PGS, TS. Trần Trọng Nguyên chia sẻ, Hội thảo mong muốn tiếp tục góp một phần công sức, giúp thực hiện thành công Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê nhận định, kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đề ra về phát triển kinh tế số, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nhận diện và đo lường kinh tế số, từ đó, đề xuất cách thức thực hiện phù hợp với thực tế.

Cũng theo bà Hương, do trên thế giới chưa có hướng dẫn chung thống nhất về đo lường đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng nên phạm vi, phương pháp đo lường kinh tế số ở các quốc gia trên thế giới là khác nhau, dẫn đến kết quả tính toán đóng góp của kinh tế số trong GDP ở các nước cũng khác nhau.

Theo số liệu mới nhất, Trung Quốc công bố ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2019 và 2021 lần lượt là khoảng 30% và 40%; tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Singapore năm 2022 là 17,3%; tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Úc năm 2021 là 6,4% và của Thái Lan năm 2021 là 12,7%, năm 2022 là 12,3%.

Đi tìm phương pháp định lượng đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng của Việt Nam
ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê do trên thế giới chưa có hướng dẫn chung thống nhất về đo lường đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng.

Việt Nam đã xây dựng 50 chỉ tiêu đo lường kinh tế số

Tại Việt Nam, để đo lường đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…, xây dựng phương pháp tính chỉ tiêu kinh tế số phù hợp với lý luận chung của Tài khoản quốc gia và thực tế nguồn thông tin hiện có của Việt Nam.

“Theo đó, xây dựng 50 chỉ tiêu đo lường kinh tế số, đánh giá trên 5 khía cạnh: quy mô kinh tế số; hạ tầng số; mức độ phổ cập dịch vụ trực tuyến; mức độ phổ cập phương tiện số; kỹ năng số và nguồn nhân lực kỹ thuật số”, bà Hương.

Đi tìm phương pháp định lượng đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng của Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, năm 2023, các ngành có tỷ trọng giá trị tăng thêm do hoạt động số hóa cao nhất là thương mại (bán buôn, bán lẻ) có tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP là 1,75%, cao nhất trong các ngành được số hóa. Tiếp đến là ngành sản xuất và phân phối điện với tỷ trọng 0,45%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn là 0,26%; hoạt động dịch vụ tài chính và phát thanh truyền hình trong hoạt động của mình tương đương nhau khoảng 0,2% trong GDP…

Cũng theo bà Hương, các ngành kinh tế có xu hướng số hóa ngày càng cao, như: hoạt động kinh doanh, thương mại bán buôn, bán lẻ do hoạt động kinh doanh online ngày càng phát triển và nhu cầu mua sắm online của người dân cũng ngày càng tăng lên; sản xuất và phân phối điện; hoạt động tài chính ngân hàng; hoạt động phát thanh truyền hình… có xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng mạnh mẽ.

Giá trị tăng thêm của kinh tế số phụ thuộc vào tỷ trọng kinh tế số lõi

Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, các địa phương có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số chủ yếu là các địa phương có tỷ trọng kinh tế số lõi lớn (chiếm hơn 80% trong tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số, giá trị tăng thêm của các ngành này thường chiếm khoảng hơn 30% của GRDP) như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc...

Ngược lại, các tỉnh có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP thấp chủ yếu là do hoạt động sản xuất các ngành kinh tế số lõi ở các địa phương này thấp, giá trị tăng thêm của kinh tế số chủ yếu do hoạt động số hóa của các ngành kinh tế khác không phải kinh tế số lõi./.