Tại cuộc họp Báo cáo về Khung định hướng Quy hoạch vùng Tây Nguyên, diễn ra chiều ngày 14/8 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch, Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang dần được phác thảo và định hình.

Định hình Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu cơ quan tư vấn cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để có quy hoạch vùng tốt nhất cho Tây Nguyên. Ảnh: Đức Trung

Hình thành Khung định hướng Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030

Tây Nguyên là vùng có 5 tỉnh, gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là "phên dậu phía Tây của Tổ quốc", là "nóc nhà của Đông Dương" thuộc khu vực Tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia; có diện tích tự nhiên là 54.548 km2, lớn thứ ba cả nước với dân số gần 6 triệu người; cùng khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm mà không nơi nào có được; đặc biệt là khoảng 1 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ; hơn 3 triệu ha rừng, chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước; khoảng 10 tỷ tấn trữ lượng bôxit, chiếm 90% trữ lượng bôxit cả nước.

Tây Nguyên có hệ thống giao thông kết nối với các cảng biển quan trọng của vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và là đầu nguồn của 4 con sông lớn gồm: Sông Sê San, sông Srepok, sông Ba và sông Đồng Nai, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, cung cấp nước ngọt cho khu vực hạ du của các địa phương thuộc hai vùng Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ.

Tây Nguyên cũng là vùng có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng, chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc bản địa phong phú và đa dạng.

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2050, đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Để thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời đưa ra định hướng toàn diện cho phát triển vùng đất có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, “mái nhà” của Việt Nam, công tác lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã và đang được triển khai quyết liệt.

Tại cuộc họp Báo cáo về Khung định hướng Quy hoạch vùng Tây Nguyên, diễn ra chiều ngày 14/8, các chuyên gia đến từ Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng cho biết, vùng Tây Nguyên đang có những điểm nghẽn cần giải quyết, đó là phân bổ dân cư chưa hợp lý; khai thác sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả; hạ tầng kết nối chưa tốt; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; môi trường kinh doanh, đầu tư kém hấp dẫn.

Vì vậy, các nội dung cần quan tâm khi lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên là xây dựng mô hình và phương án tổ chức không gian phù hợp với phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, Quy hoạch phải đề ra được giải pháp hoàn thiện hạ tầng kết nối trong và ngoài vùng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết các thách thức mà Tây Nguyên đang phải đối mặt bao gồm bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa, “bài toán” thiếu nước cho phát triển sản xuất, sinh hoạt.

Đặc biệt, với vai trò, vị trí đặc thù của Tây Nguyên về quốc phòng, Quy hoạch cũng phải lưu ý đến quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, phân bố địa hình ưu tiên cho quân sự, quốc phòng.

Trên cơ sở đó, dự thảo Báo cáo Khung định hướng phát triển vùng Tây Nguyên đưa ra một số quan điểm về phát triển kinh tế, đó là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành có lợi thế như: nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo; tạo tăng trưởng kinh tế dựa trên khai thác các nguồn lực và động lực tăng trưởng mới.

Bên cạnh đó, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số; từng bước chuyển đổi sang kinh tế xanh.

Về tổ chức không gian, vùng Tây Nguyên cần tăng cường kết nối liên vùng, nội vùng, đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, khu vực Tiểu vùng sông Mekong (GMS); hình thành các trung tâm kinh tế tổng hợp, chuyên ngành của vùng theo lợi thế và vị thế phát triển.

Cụ thể, Tây Nguyên sẽ hình thành 2 hành lang kinh tế cấp quốc gia, gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam (đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam phía Tây) và hành lang kinh tế Đông - Tây (Quy Nhơn - Pleiku - Bờ Y). Đồng thời, hình thành 7 hành lang kinh tế cấp vùng bám theo các tuyến quốc lộ.

Trong đó, chuỗi đô thị Hành lang kinh tế Quy Nhơn - Pleiku - Bờ Y là cửa ngõ ra biển của khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, kết nối các tỉnh Bắc Tây Nguyên với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và cảng biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Ngày 25/8 hoàn thành Báo cáo khung định hướng lần 1

Góp ý cho dự thảo, các chuyên gia tại cuộc họp đã chỉ ra nhiều hạn chế trong phát triển của vùng Tây Nguyên hiện nay, từ đó đưa ra những góp ý xác đáng cho dự thảo báo cáo.

Cụ thể, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn lo lắng về tình trạng sử dụng lãng phí quỹ đất tại vùng. Phải có cơ chế quản lý quỹ đất. Ông đồng ý là phải tập trung xây dựng các vùng chuyên canh lớn gắn với cơ giới hóa, song lưu ý, phải làm rõ sản phẩm gì? Thế mạnh gì?

Vị chuyên gia này cũng lo ngại về an ninh nguồn nước, cũng như công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Tây Nguyên. Cảnh báo về việc quản lý nguồn nước tùy tiện tại Tây Nguyên, ông cho rằng, nếu định hướng trồng lúa ở vùng này là không hợp lý và không đủ nước để canh tác.

Định hình Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Theo PGS, TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng khung quy hoạch cần “neo” vào 2 văn bản. Ảnh: Đức Trung

PGS, TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc xây dựng khung quy hoạch cần “neo” vào 2 văn bản: Thứ nhất là các nghị quyết của Trung ương về vùng; thứ 2 là Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Thắng lưu ý rằng, Nghị quyết số 81/2023/QH15 có 6 vấn đề về quy hoạch cần phải cụ thể hóa. 3 tiểu vùng cũng được nêu rõ tại Nghị quyết số 23-NQ/TW. Đó là những tiền đề quan trọng để xây dựng khung định hướng Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.

Thống nhất và đánh giá cao nỗ lực của tư vấn, nhất là trong điều kiện thời gian ngắn, Bộ trưởng chỉ rõ, các vấn đề đã được làm rõ, đã phân tích được hiện trạng, đặc biệt là các điểm nghẽn, các vấn đề cần được giải quyết trong Quy hoạch.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng cho rằng, khung định hướng chưa nổi bật được tính chất của quy hoạch vùng, nhất là tổ chức không gian; chưa làm rõ được các tiểu vùng, các hạn chế, khó khăn, thách thức, điểm nghẽn của các tiểu vùng, các cực tăng trưởng thế nào, các hành lang kinh tế ra sao?

Định hình Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh: Đức Trung

“Không phải cứ hành lang giao thông là hành lang kinh tế. Tư vấn phải nhận định rất rõ hành lang nào là hành lang phát triển kinh tế, hành lang nào chỉ đơn thuần là giao thông”, Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ, khi xây dựng quy hoạch vùng Tây Nguyên cần lưu ý bám sát vào Nhiệm vụ quy hoạch đã được ban hành cuối năm 2021; bám sát Nghị quyết số 23-NQ/TW, Nghị quyết số 81/2023/QH15, 15 quy hoạch ngành và hàng loạt quy hoạch tỉnh đã và đang được phê duyệt.

“Đây là cơ hội tốt để chúng ta tiếp tục cập nhật, bổ sung, cụ thể hóa theo các quan điểm, mục tiêu của Quy hoạch tổng thể quốc gia”, Bộ trưởng nói.

Trên tinh thần ý kiến của các chuyên gia, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan tư vấn cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để có quy hoạch vùng tốt nhất cho Tây Nguyên.

Các hạn chế được nêu ra, như: tăng trưởng thấp; liên kết nội vùng, liên vùng còn nhiều vấn đề; là vùng trũng của cả nước về y tế, giáo dục; tỷ lệ che phủ rừng giảm rất mạnh… cần phân tích kỹ hơn. Vấn đề nguồn nước: Cạn kiệt, khô hạn, an ninh nguồn nước; trình độ phát triển, dân trí; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; những vấn đề tiềm ẩn về quốc phòng, an ninh cần lưu ý khi phân bổ không gian phát triển.

Bộ trưởng cũng lưu ý tới kịch bản phát triển và yêu cầu: “Luận cứ của các kịch bản, đâu là kịch bản đúng với Nghị quyết số 23-NQ/TW, đảm bảo hài hòa, kinh tế xanh, nhưng không phải vì thế mà không phát triển kinh tế”.

Đối với tổ chức không gian, Bộ trưởng yêu cầu cần rà soát các lớp bản đồ về hiện trạng, vấn đề sử dụng đất, phân bổ dân cư, các hoạt động kinh tế, các hiện trạng kết cấu hạ tầng… để đưa ra phân bổ không gian cho các tiểu vùng.

Về hạ tầng giao thông, đô thị, Bộ trưởng cũng yêu cầu rà soát xem có cần bổ sung các phương thức kết nối như: Đường sắt, hàng không hay không, từ đó đưa ra các đề xuất phù hợp với quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên còn nhiều vòng, nhiều cấp lấy ý kiến và từ nay cuối năm phải hoàn thiện. Trước mắt, Bộ trưởng yêu cầu hoàn thành Báo cáo khung định hướng lần 1 vào ngày 25/8 để kịp làm các bước tiếp theo./.