Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức vào sáng nay (ngày 5/6/2024).

Doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng Chuyển đổi Kép nhằm phát triển bền vững
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Diễn đàn
Chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã được ban hành khá đầy đủ

Theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, hiện nay, Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động và có trên 90% nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp, thì đa số DN chưa sẵn sàng với chuyển đổi số (CĐS) và chưa biết tìm kiếm kênh hỗ trợ cho CĐS ở đâu. Vì vậy, Cục Phát triển doanh nghiệp với vai trò là cơ quan hỗ trợ DN, đã và đang cố gắng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN CĐS.

Bà Hương thông tin, hiện nay, định hướng CĐS DN được thông qua: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020) và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022). Những chính sách này đã đưa ra các nhiệm vụ cần thiết và giải pháp nhằm thúc đẩy và đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách đã được thể chế hóa trong Luật Hỗ trợ DNNVV và các Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, cũng như các thông tư: Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT, ngày 10/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thông tư số 52/2023/TT-BTC, ngày 8/8/2023 của Bộ Tài chính, trong đó trong đó bổ sung căn cứ pháp lý triển khai các hoạt động hỗ trợ CĐS, như: Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn CĐS, tối đa 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với DN nhỏ; 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với DN vừa; Hỗ trợ 50% chi phí cho DN thuê, mua các giải pháp CĐS, tối đa 20 triệu đồng/năm/ DN siêu nhỏ; 50 triệu đồng/năm/DN nhỏ và 100 triệu đồng/năm/ DN vừa.

Tổng kinh phí ngân sách bố trí hỗ trợ DNNVV năm 2024 là 140 tỷ đồng để hỗ trợ cho DNNVV theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, dự kiến hỗ trợ đào tạo cho hơn 8.000 DN bao gồm cả hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến, tư vấn và hỗ trợ ứng dụng các giải pháp CĐS cho hơn 800 DN.

Đặc biệt, Chương trình Hỗ trợ DN Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 vào ngày 7/01/2021.

Chương trình được ban hành với mục tiêu là hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong DN thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình hướng tới có 100% DN tiếp cận thông tin từ Chương trình và nâng cao kiến thức về CĐS; 100 DN là các thành công điển hình về CĐS từ “doing digital” đến “being digital”; 100.000 DN được nhận các hỗ trợ từ Chương trình (sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp); 100 DN được nhận các hỗ trợ từ Chương trình (sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp).

Bà Hương cũng thông tin thêm, các hoạt động chính của Chương trình 2021-2025 tập trung vào 5 hoạt động: Xây dựng tài liệu kiến thức; Đào tạo CĐS; Mở rộng mạng lưới chuyên gia; Hỗ trợ tư vấn chuyên sâu; Hỗ trợ giải pháp; Truyền thông.

Năm 2023, mức độ sẵn sàng CĐS của DN tăng tưởng mạnh

Hiện nay, Cục Phát triển doanh nghiệp đã xây dựng Cổng thông tin Chương trình tại địa chỉ http://digital.business.gov.vn. Nhờ đó, đã có hơn 2 triệu lượt truy cập; Hơn 5.000 DN tự đánh giá, liên tục cập nhật theo thời gian thực.

Đồng thời, Cục cũng đã thông tin các hoạt động, các gói hỗ trợ từ Chương trình và các đối tác; cũng như kết nối DN với mạng lưới chuyên gia tư vấn, giải pháp CĐS. Đồng thời, Cục đã xây dựng và công bố Bộ Sổ tay hướng dẫn CĐS để cung cấp kiến thức nền tảng, các chỉ dẫn giải pháp CĐS cho DN chủ động triển khai. Kết quả là, có hơn 28.000 lượt tải Bộ Sổ tay này.

Đặc biệt, trong những năm qua, Cục đã xây dựng Báo cáo thường niên CĐS DN năm 2021, 2022 và 2023.

Cục Phát triển doanh nghiệp đã tổ chức khóa đào tạo nâng cao nhận thức cho DN về CĐS. Các chủ đề đào tạo đa dạng, theo nhu cầu của DN như CĐS trong mô hình kinh doanh, tăng trưởng số; CĐS trong sản xuất, trong quản trị doanh nghiệp; CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch… và nhiều chủ đề khác

Cục cũng đã tổ chức Chương trình tổ chức khoá đào tạo chuyên sâu về CĐS cho 28 DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo do phụ nữ làm chủ, DN sử dụng nhiều lao động nữ; Cũng như các Chương trình đào tạo Chuyên sâu từ 3-5 ngày cho DN ở một số lĩnh vực đặc thù và lựa chọn 5 DN tiềm năng để hỗ trợ tư vấn 1-1. Đặc biệt, người lao động tại các Phòng ban của DN đều được đào tạo về CĐS theo các chủ đề cụ thể trong 05 ngày và 01 ngày đi thực tế.

Đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp cũng thông tin thêm, những năm qua, Cơ quan này cũng đã cung cấp kiến thức nền tảng, công cụ, phương pháp tư vấn một cách có hệ thống cho đội ngũ chuyên gia và cán bộ hỗ trợ DN về CĐS. Mạng lưới hơn 100 chuyên gia đã được sàng lọc, đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng hệ sinh thái về hỗ trợ DN CĐS.

Ngoài ra, Cục đã xây dựng Cơ sở dữ liệu các giải pháp CĐS cho DN, điển hình như: Xây dựng ấn phẩm “Trang vàng các giải pháp Chuyển đổi số doanh nghiệp” với 49 giải pháp từ 40 DN cung cấp trong nhiều lĩnh vực; Xây dựng Bản đồ 4.0 cung cấp các giải pháp công nghệ đang ứng dụng công nghệ 4.0.

Với hoạt động truyền thông, lan tỏa, kết nối, Cục đã chủ trì, phối hợp tổ chức các sự kiện nâng cao nhận thức cho DN về CĐS tại nhiều địa phương; truyền thông, lan tỏa trên các phương tiện truyền hình, báo chí thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho DN

Với những nỗ lực trên, cả nước đã có hơn 2 triệu lượt tiếp cận thông tin về CĐS; hơn 30.000 lượt tải các tài liệu, video đào tạo, chia sẻ hướng dẫn CĐS; Hơn 5000 DN tự đánh giá mức độ sẵn sàng trên CĐS trên Cổng Hơn 5000 DN tự đánh giá mức độ sẵn sàng trên CĐS trên Cổng thông tin “Đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”; Mạng lưới hơn 120 tổ chức, cá nhân cung cấp giải pháp, tư vấn, đào tạo CĐS được sàng lọc, thành lập, đào tạo và kết nối với cộng đồng DN; Hơn 13.800 DN tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc được đào tạo trực tiếp về CĐS; Gần 400 DN được hỗ trợ chuyên sâu xây dựng và triển khai lộ trình CĐS, 28 DN được đào tạo trực tiếp tại DN cho về CĐS.

Sự tăng trưởng rõ rệt trong Mức độ sẵn sàng CĐS của doanh nghiệp Việt Nam năm 2023, theo đó, năm 2023 đã chứng kiến sự tăng tưởng mạnh, với điểm mức độ sẵn sàng ở tất cả các ngành đều vượt lên trên trung bình (>2,5), tăng từ 0,7-1,4 điểm so với năm 2022.

Các DN tham gia đánh giá có mức độ nhận thức về CĐS đạt mức Nâng cao; DN ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã và đang tích hợp mục tiêu CĐS vào chiến lược phát triển của công ty, sẵn sàng cho việc triển khai CĐS.

3 giải pháp trọng tâm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

Bà Trịnh Thị Hương cũng đã đưa ra 3 định hướng giải pháp nhằm thúc đẩy DN CĐS trong thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, đào tạo chuyên sâu nâng cao năng lực CĐS cho DN (Đào tạo lãnh đạo, quản lý DN; Đào tạo người lao động và kỹ sư công nghệ số; Đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn thông qua chương trình Quốc tế (phối hợp với RMIT).

Thứ hai, tư vấn lộ trình và tư vấn triển khai cho DN (Triển khai tư vấn xây dựng chiến lược, lộ trình CĐS cho DN; Tư vấn triển khai những bài toán thực tế DN có nhu cầu).

Thứ ba, hỗ trợ giải pháp CĐS (Hỗ trợ kết nối hỗ trợ một phần/toàn phần về một số phần mềm công nghệ cụ thể để DN ứng dụng).

Cần hướng tới xu hướng chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh

Đặc biệt, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp cũng nhấn mạnh đến xu hướng Chuyển đổi Kép tại một số quốc gia trên thế giới.

Theo bà Hương, thuật ngữ “Chuyển đổi Kép” - xu hướng chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh trở nên ngày càng quan trọng với các sáng kiến xoay quanh 3 trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.

Bà Hương cũng đưa ra một số điển hình tại các quốc gia phát triển đã thành công trong thực hiện Chuyển đổi Kép. Ví dụ như: Đức đã đóng góp tích cực vào nỗ lực về Chuyển đổi Kép trên toàn thế giới thông qua việc cung cấp kiến thức và nguồn lực thiết yếu cho các nước đang phát triển trong nỗ lực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Thành công trở thành nền kinh tế giảm thiểu carbon của Đức được thực hiện thông qua: (1) Tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; (2) Tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.

Còn tại Singapore, quốc gia này đã ứng dụng công nghệ số và dữ liệu để thúc đẩy mục tiêu bền vững đồng thời áp dụng tư duy bền vững vào phát triển, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ thông tin, tiêu biểu như: Ứng dụng các giải pháp công nghệ số như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và phân tích dữ liệu trong lĩnh vực Quản lý môi trường xây dựng, vận hành tòa nhà.; Tích cực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm các giải pháp xanh hóa trung tâm dữ liệu (Data centre).

Còn tại Hàn Quốc, quốc gia này là một trong những nước đầu tiên coi tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển quốc gia và công bố cam kết xanh hóa các lĩnh vực công nghệ thông tin từ đầu những năm 2000.

Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030“ ban hành vào năm 2022 đặt mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật số với các dịch vụ 5G và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, với trọng tâm là nền kinh tế số sẽ chiếm 30% tổng GDP của Việt Nam vào năm 2030.

“Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” đề ra các mục tiêu: Giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP. hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số.

Tương tự các quốc gia khác, tại Việt Nam, công nghệ số và chuyển đổi số cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh.

“Chuyển đổi Kép - chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường”, bà Hương nhấn mạnh./.