Doanh nghiệp giải thể hoạt động trong 10 tháng giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 81.086 doanh nghiệp, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng đầu năm có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 38.386 doanh nghiệp (chiếm 47,3%); có quy mô nhỏ dưới 10 tỷ đồng với 71.845 doanh nghiệp (chiếm 88,6%, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2022).
Doanh nghiệp giải thế trong 10 tháng giảm nhẹ so với cùng kỳ, song số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn tăng cho thấy doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn |
Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 50.735 doanh nghiệp, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 44.345 doanh nghiệp (chiếm 87,4%, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2022).
Số doanh nghiệp giải thể là 14.729 doanh nghiệp, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 6/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 10 tháng đầu năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 10.100 doanh nghiệp (chiếm 68,6%), có quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 12.673 doanh nghiệp (chiếm 86%, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2022).
Về số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, riêng tháng 10/2023, cả nước có 11.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: 5.501 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2022; 4.898 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2022; 1.501 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, dù đã có dấu hiệu phục hồi trong năm 2022 từ sau tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 kéo dài, song trong 3 quý đầu năm 2023, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô suy giảm. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp bị giảm mạnh doanh thu do không có đơn hàng, dòng tiền cạn kiệt, trong khi tiếp cận vốn vay rất khó khăn, phải đối mặt với nguy cơ rủi ro gia tăng. Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp trong ngành bất động sản và xây dựng lâm vào tình trạng suy kiệt do tồn kho hàng hóa tăng cao, dòng tiền cạn kiệt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp các ngành xây dựng, hàng không và bán lẻ cũng gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu sụt giảm.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đồng thời phải đối mặt với nhiều áp lực, trong đó lớn nhất là áp lực về dòng tiền, áp lực chuyển đổi xanh với chi phí gia tăng và áp lực tuân thủ các thủ tục hành chính. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị các chính sách trước mắt cần tập trung vào hỗ trợ dòng tiền thông qua hỗ trợ tiếp cận vốn và giãn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm lãi suất thực sự và nới lỏng điều kiện cho vay để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dòng vốn tín dụng chính thức, từ đó khôi phục hoạt động kinh doanh. Về trung hạn và dài hạn, cần khơi thông dòng vốn thông qua chính sách tín dụng, phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sớm nâng hạng thị trường chứng khoán, để tạo kênh huy động vốn lành mạnh cho doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt là vấn đề hoàn thuế.../.
Bình luận