Doanh nghiệp trong nước vượt khối FDI về tăng trưởng xuất khẩu
Thông tin tích cực này được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra chiều nay (17/10).
Ngành chế biến, chế tạo là động lực dẫn dắt tăng trưởng
Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong 9 tháng đầu năm, ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Về sản xuất công nghiệp, 9 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 12,7%; quý II tăng 8,2%; quý III tăng 10,7%), đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mặc dù tăng trưởng sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện nhưng về cơ bản, sản lượng sản xuất đều đạt và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch, tiêu thụ ổn định.
Ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá với 9 tháng tăng 8,98%, đóng góp 2,91 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng giá trị tăng thêm khoảng 12,65%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012-2016.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì Họp báo
Sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm được mở rộng và duy trì đà tăng trưởng với mức tăng khá cao, mức tăng của các tháng đều cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước.
26 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD
Tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 15,4% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng tuyệt đối là 23,9 tỷ USD. Tính đến hết quý III, tăng trưởng xuất khẩu đã vượt xa mục tiêu 10% đề ra.
Đóng góp lớn vào mức tăng trưởng này là 3 nhóm hàng điện thoại các loại; máy tính và linh kiện và nhóm các sản phẩm dệt may. Tính chung cả 3 nhóm hàng này đã tăng khoảng 11,54 tỷ USD so với cùng kỳ, đóng góp gần 50% vào tổng mức tăng 23,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết tháng 9 năm 2018, Việt Nam đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (36,13 tỷ USD), hàng dệt, may (22,56 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (21,65 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (12,1 tỷ USD), giày dép các loại (11,77 tỷ USD).
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2018, khối doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 51,08 tỷ USD, tăng 17,5%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Số liệu xuất khẩu những năm gần đây cho thấy những kết quả tích cực trong mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp này: năm 2015 xuất khẩu giảm 2,6%; năm 2016 xuất khẩu chỉ tăng 5,5%, năm 2017 xuất khẩu tăng 17,7%.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong 9 tháng qua, công tác phát triển thị trường đạt kết quả tốt, các doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập.
Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Cả năm 2017, trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 5 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Ngoại trừ thị trường Chile, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA với ta đều ghi nhận tốc độ tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017: ASEAN ước tăng 16%, đạt 18,72 tỷ USD; Trung Quốc ước tăng 26,6%, đạt 28,15 tỷ USD; Nhật Bản ước tăng 12,2%, đạt 13,82 tỷ USD; Hàn Quốc ước tăng 26,5%, đạt 13,5%; Australia ước tăng 25,5%, đạt 3 tỷ USD.
9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước. Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của công tác tuyên truyền về hội nhập và cách tận dụng cam kết hội nhập, công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Bộ Công Thương thời gian qua.
Làm rõ hơn về cam kết cải cách thủ tục hành chính, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ông Nguyễn Anh Sơn cho biết, Bộ Công Thương đã bãi bỏ 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trên tổng số 1216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%, vượt mức 50% theo yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ)./.
Bình luận