Doanh nghiệp trong xu hướng chuyển đổi kép và vai trò của công nghệ trong sứ mệnh phát triển kinh tế số
Hội nghị được triển khai với mục tiêu cung cấp thêm cho doanh nghiệp những thông tin chi tiết hơn về vai trò của công nghệ và xu hướng chuyển đổi kép, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh có thêm góc nhìn đa chiều về xu hướng chuyển đổi kép và có các thông tin hữu ích để thúc đẩy hành trình chuyển đổi của doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường tính cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững – góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương.
Xu thế chuyển đổi xanh tất yếu trong tăng trưởng kinh tế
Chuyển đổi xanh đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế và trở thành ưu tiên trong lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh “chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh”. Cùng với xu thế phát triển của quốc gia và toàn cầu, việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, hay còn gọi là “Chuyển đổi kép”, không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Hội nghị “Xu hướng chuyển đổi kép và vai trò của công nghệ trong sứ mệnh phát triển kinh tế số tỉnh Bình Dương” |
Trong xu thế này, chương trình hội nghị tập trung chia sẻ và thảo luận về các vấn đề thực tiễn liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các ứng dụng giải pháp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tập trung vào năm chủ đề bao gồm: Các chính sách và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Các xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam và toàn cầu; Văn hóa an toàn thông tin làm bệ phóng cho chuyển đổi số; Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi kép của MobiFone, nhằm thúc đẩy kinh tế số tỉnh Bình Dương; Ứng dụng Công nghệ xanh hóa sản xuất.
Triển khai đẩy mạnh thực hiện chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ đã được Đảng, Chính phủ xác định là ưu tiên hàng đầu, là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, của Chính phủ, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, nhấn mạnh “Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế” với mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP và đạt 30% GDP vào năm 2030.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị |
Thời gian qua, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất những chính sách lớn trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Đặc biệt, ngày 07/01/2021 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 giao Cục Phát triển doanh nghiệp chủ trì triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số như: nâng cao nhận thức, tư vấn lộ trình, đào tạo chuyên sâu, xây dựng mạng lưới tư vấn viên để giúp các doanh nghiệp có thể chuyển đổi số từng phần đến chuyển đổi số toàn phần, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị phần và dần vươn ra thị trường quốc tế.
Trong 3 năm vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp đã tập trung vào phổ cập, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số chuyên sâu như: tư vấn, đào tạo, hỗ trợ công nghệ… Với sự quyết tâm của các cán bộ thực hiện chương trình, đến nay, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới sự chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.
Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và tài nguyên môi trường cũng tạo ra những thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam và trên toàn thế giới. Để thích ứng với những yêu cầu mới này, các doanh nghiệp cần tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững hơn. Việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, hay còn gọi là “Chuyển đổi Kép” là giải pháp đối với xu thế phát triển đó, giúp doanh nghiệp không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh, mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của mình.
“Hội nghị: “Xu hướng Chuyển đổi kép và vai trò của Công nghệ trong sứ mệnh phát triển kinh tế số tỉnh Bình Dương” ngày hôm nay nhằm cung cấp cho đại biểu những thông tin về chính sách, hỗ trợ cụ thể từ phía Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Bên cạnh đó, thông qua Hội nghị này, các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có thêm góc nhìn đa chiều về xu hướng chuyển đổi kép và có các thông tin hữu ích để thúc đẩy hành trình chuyển đổi của doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường tính cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững – góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương”, ông Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Thông tin cụ thể tại Hội nghị về các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp ông Lê Minh Chiến, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, để tạo cơ sở nền tảng cho định hướng chuyển đổi số doanh nghiệp Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Khung cơ sở nền tảng này đã đưa ra các nhiệm vụ cần thiết và giải pháp nhằm thúc đẩy và đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Thực hiện định hướng chủ trương nói trên, việc xây dựng khung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã được đẩy mạnh, theo đó, các cơ chế, chính sách đã được thể chế hóa trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Đây là những căn cứ pháp lý để các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DN có thể sử dụng ngân sách Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Cụ thể về căn cứ pháp lý hiện hành, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV. Ngoài ra, các Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 của Bộ KH&ĐT; Thông tư số 52/2023/TT-BTC ngày 8/8/2023 của Bộ Tài chính cũng đã bổ sung căn cứ pháp lý triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số.
Đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp chia sẻ các thông tin về hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp |
Các văn bản này đã đưa ra các quy định cụ thể về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, trong đó có quy định về hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn chuyển đối số, tối đa 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ; 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa; hỗ trợ 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số, tối đa 20 triệu đồng/năm/doanh nghiệp siêu nhỏ; 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp vừa.
Theo số liệu thống kê, tổng kinh phí ngân sách bố trí hỗ trợ DNNVV năm 2024 là 140 tỷ đồng theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, dự kiến hỗ trợ đào tạo cho hơn 8.000 doanh nghiệp bao gồm cả hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến, tư vấn và hỗ trợ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số cho hơn 800 doanh nghiệp.
Theo ông Lê Minh Chiến, Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu chung là hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Theo đó, 100% doanh nghiệp được tiếp cận thông tin từ Chương trình và nâng cao kiến thức về chuyển đổi số; 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình (sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp); 100 doanh nghiệp là các thành công điển hình về chuyển đổi số từ “doing digital” đến “being digital”. Đồng thời, Chương trình cũng sẽ hình thành mạng lưới chuyên gia gồm các tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Đến nay, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.
Đề xuất giải pháp khắc phục các tồn tại
Đánh giá về thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thơ - cố vấn cấp cao tại Digiwin Software cho biết, năm 2023, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam chiếm 23,88% tổng GDP cả nước; đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng, và thu hút hơn 23,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất, chiếm 64,2% tổng vốn FDI. Tính đến tháng 6/2024, kinh tế số đã đạt mức tăng trưởng 22,4%, tương đương 18,4% GDP. Tổng doanh số bán lẻ tăng trưởng 80% so với năm 2023 và số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 8%.
Tuy nhiên, theo ông Thơ, nỗ lực chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Đó là khoảng cách về chuyển đổi số, khả năng tiếp cận vốn, vấn đề sở hữu trí tuệ, hệ thống pháp lý và hệ sinh thái số còn nhiều bất cập. Do đó, cần có các giải pháp để khắc phục các rào cản khó khăn này để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh quá trình chuyển đối số, tham gia và đóng góp hiệu quả vào việc xây dựng và phát triển nền kinh tế số quốc gia./.
Bình luận