Doanh nghiệp bị kiểm tra… 9 lần/năm – Trên nóng dưới vẫn lạnh

Ngày 16/5/2016, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Nghị quyết có đề cập đến: “Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng”.

Ngày 17/05/2017, Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Chỉ thị 20 nêu rõ: “Không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá một lần mỗi năm đối với doanh nghiệp…”.

Tuy nhiên, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn tồn tại. Theo đó, doanh nghiệp vẫn bị quá nhiều các cơ quan đến thanh tra, kiểm tra liên tục.

Doanh nghiệp vẫn kêu than vì tình trạng bị thanh, kiểm tra quá nhiều lần

Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi tới Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp vào ngày 17/05/2017 cho biết, có 37% số doanh nghiệp thuộc diện khảo sát được thanh tra, kiểm tra trong năm 2016. Còn khoảng 13,8% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Trong những doanh nghiệp có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên, có 52,4% lượt doanh nghiệp cho rằng, nội dung của các cuộc kiểm tra có những nội dung giống nhau.

VCCI cho biết, đáng chú ý là các đợt kiểm tra chuyên ngành, nhất là đối với doanh nghiệp chế biến thực phẩm đang trở thành gánh nặng do phải chịu giám sát của nhiều bộ, ngành, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cấp chính quyền địa phương. Cá biệt có những trường hợp doanh nghiệp bị kiểm tra 9 lần trong một năm, cho dù nội dung không giống nhau, nhưng đã gây áp lực rất lớn tới doanh nghiệp.

Điển hình của tình trạng trên có thể tới một vài trường hợp như: Báo Lao động đưa tin, cuối năm 2017, sự việc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị các đoàn thanh tra, kiểm tra liên tục đã làm xôn xao dư luận. Cụ thể, từ tháng 4-12/2017, đã có 8 đoàn kiểm tra, thanh tra Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh. Trong đó, từ ngày 13/04 đến 30/06/2017, Công ty tiếp 4 đoàn thanh, kiểm tra. Trong tháng 12/2017, Công ty còn nhận được thông báo để chuẩn bị đón 4 đoàn thanh, kiểm tra nữa.

Sau đó, ngày 07/12/2017, Công ty này đã gửi công văn “cầu cứu” đến Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh về việc bị quá nhiều cơ quan, ban, ngành vào thanh, kiểm tra, các vấn đề, như: công tác bảo vệ môi trường, bảo hiểm xã hội, chấp hành Luật Lao động, Luật Công đoàn… Đáng chú ý, trong đơn “cầu cứu”, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh nêu bức xúc, dù rất nhiều đoàn tới thanh tra, kiểm tra, nhưng nội dung làm việc lại giống nhau.

Tại “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Danh mục rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp” ngày 18/04/2018, nói về công tác thanh, kiểm tra, ông Nguyễn Khánh Trình, người sáng lập CleverAds - đối tác ủy quyền đầu tiên về quảng cáo của Google và Facebook tại Việt Nam, hiện đang là CEO của chuỗi thực phẩm sạch mang tên “Sói Biển trung thực” cho biết: “Thời gian rất ngắn vừa qua, Công ty chúng tôi phải tiếp tới 20 đoàn thanh tra. Chúng tôi phải lập một bộ phận tiếp đón riêng gồm 3 người”.

Quá nhiều cơ quan được phép thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do có quá nhiều các cơ quan được quyền thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, như: môi trường, vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, lao động, công an…

Luật sư Nguyễn Tri Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, chính pháp luật hiện hành quy định nhiều đầu mối có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lắp. Cụ thể, như: riêng sở tài nguyên và môi trường có khoảng năm bộ phận có chức năng cấp phép thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, “chưa kể các đơn vị cũng có chức năng trên, như: Bộ Công an, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, công an quận huyện, phòng tài nguyên và môi trường quận, ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp...”, ông Thắng nói.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết trên báo Tuổi trẻ, ghi nhận của Hiệp hội cho thấy, tình trạng thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên đối với doanh nghiệp xảy ra thường do cấp quận, huyện thực hiện.

Ngày 20/09/2017, làm việc với Bộ Y tế về công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất - hập khẩu, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, còn có bất cập với công tác kiểm tra chuyên ngành nói chung và của Bộ Y tế nói riêng, trong đó, nổi lên là tình trạng kiểm tra còn chồng chéo, một mặt hàng chịu điều chỉnh nhiều văn bản, chịu sự kiểm tra của nhiều bộ, nhiều cơ quan.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đưa ra nhiều con số đáng quan ngại, chỉ tính riêng 3 bộ “Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, vì chi phí cho kiểm tra chuyên ngành đã khiến cho doanh nghiệp phải tốn 28 triệu 793 nghìn ngày công trong tổng số 30 triệu ngày, tốn 12.208 tỷ đồng trong tổng số 14.300 tỷ đồng của cả năm 2016”.

Cần sửa quy định

Hoạt động thanh tra, kiểm tra trùng lặp, chồng chéo nếu không được siết chặt và chấn chỉnh kịp thời sẽ tiếp tay cho những hành động tiêu cực của một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất trong công tác này.

Nhiều chuyên gia đã đề nghị cần phải sửa các quy định để giảm cơ quan, đầu mối có quyền thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Trả lời trên báo Người lao động, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam cho biết, việc thanh, kiểm tra phải được thực hiện trên nguyên tắc "chọn lọc", bởi mỗi doanh nghiệp có đặc điểm, có sự nghiêm túc, chấp hành pháp luật khác nhau. Hơn nữa, so sánh với những nước, như: Hà Lan, Thụy Sĩ, Pháp… thì thấy, ở các nước này có những doanh nghiệp đến tận hơn 10 năm không bị thanh tra.

Tại Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ và triển khai công tác thanh, kiểm tra ngành Tài nguyên Môi trường toàn quốc 2018, ngày 15/03, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, công tác thanh tra phải mang tính hệ thống, phối hợp nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương. Cần tránh tình trạng tập trung quá nhiều vào thanh tra thường xuyên, dẫn đến không có thời gian giải quyết những vấn đề thanh tra bức xúc và đột xuất.

Thời gian vừa qua, có không ít những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà trước đó nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra “đến rồi đi”, không phát hiện ra vi phạm gì. Phải chăng cần có chế tài để xử phạt trách nhiệm khi thi hành công việc không đến nơi, đến chốn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu doanh nghiệp./.

Tham khảo từ các nguồn

https://laodong.vn/xa-hoi/doanh-nghiep-keu-cuu-chu-tich-tinh-vi-mot-tuan-phai-tiep-4-doan-thanh-tra-581318.ldo

http://plo.vn/kinh-te/quan-ly/doanh-nghiep-hai-voi-cac-kieu-hanh-766036.html

http://vneconomy.vn/thoi-su/doanh-nghiep-ton-hon-14000-ty-vi-kiem-tra-chuyen-nganh-2017092107244943.htm

https://laodong.vn/xa-hoi/khong-de-cong-tac-thanh-tra-gay-ganh-nang-cho-xa-hoi-va-doanh-nghiep-595911.ldo

https://tuoitre.vn/qua-nhieu-don-vi-co-quyen-thanh-tra-kiem-tra-doanh-nghiep-1318407.htm

https://baotainguyenmoitruong.vn/thoi-su/bo-truong-tran-hong-ha-thanh-kiem-tra-de-giup-cac-dia-phuong-quan-ly-tai-nguyen-va-moi-truong-tot-hon-1250488.html