Nguy cơ hàng Thái tràn ngập

Mấy năm gần đây, thị trường bán lẻ tại Việt Nam với làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài, như: Metro, BigC, FamilyMart, Lotte… đã khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ ngoài nước với doanh nghiệp bán lẻ trong nước ngày càng khốc liệt.

Tuy nhiên, thông tin về Tập đoàn Metro (Đức) ngày 7/8 vừa qua vừa chính thức ký thỏa thuận với Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan chuyển nhượng kinh doanh bán buôn 19 trung tâm Metro tại Việt Nam đã khiến cho các nhà bán lẻ tại Việt Nam không khỏi lo sợ. Theo đó, từ năm 2015, 19 trung tâm Metro tại Việt Nam sẽ do Tập đoàn phân phối bán lẻ Berli Jucker đến từ Thái Lan quản lý.

Đánh giá về “cuộc đổ bộ” này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sau khi BJC thâu tóm Metro, hàng hóa Việt Nam có thể sẽ bị đẩy ra khỏi hệ thống siêu thị Metro. “Từ vụ mua bán cho thấy, nhà đầu tư Thái Lan đang muốn chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của Metro.

“Sở dĩ có vụ mua bán này là vì họ biết trước biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (0%) khi thực hiện Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN giai đoạn 2008-2013”, bà Lan nói.

Metro Cash & Carry là một trong những tập đoàn bán sỉ hàng đầu quốc tế của Đức. Cty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam thành lập năm 2002. Hiện Metro có 19 trung tâm trên toàn quốc. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh: 3; Hà Nội: 3, còn lại rải trên 13 tỉnh/thành.

Không chỉ có 19 trung tâm Metro tại Việt Nam, hiện BJC còn sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu B’s mart gồm hơn 40 cửa hàng được mua lại từ đối tác Nhật Bản. Ngoài ra, vào đầu năm 2013, BJC đã chi 32 triệu USD để mua lại 65% cổ phần tại Thái An, một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc. Công ty này hiện có mặt tại tất cả 63 tỉnh, thành phố, có quan hệ thương mại với 200 nhà phân phối phụ, 2.500 nhà bán buôn và hàng chục ngàn nhà bán lẻ tại chợ truyền thống.

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ thì việc xâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam lần này nằm trong kế hoạch của BJC nhằm củng cố thị trường hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Bởi lẽ vào cuối năm 2012, BJC cũng đã đầu tư 1 tỷ baht cùng với Tập đoàn Mongkol thành lập Công ty Thai Corp International Vietnam (TCI) để mở siêu thị tại Việt Nam. Mục tiêu của TCI là trở thành công ty phân phối và bán hàng Thái Lan lớn nhất tại thị trường Việt Nam và khu vực Đông Dương.

Trước “cuộc tấn công” nói trên của doanh nghiệp Thái Lan, ông Vũ Vinh Phú Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp Thái Lan nói chung và BJC nói riêng có ý định xâm nhập thị trường bán lẻ của Việt Nam từ rất lâu, quá trình xâm nhập cũng khá bài bản.

Ông Phú cho biết, hằng năm, các doanh nghiệp Thái tổ chức tới 4 hội chợ triển lãm quy mô, đến cách đưa hàng hóa vào Việt Nam theo đường du lịch, đến tổ chức các đại lý, cửa hàng khắp từ trong Nam đến ngoài Bắc.

“Hơn nữa, hàng Thái có giá cả phải chăng, chất lượng lại tốt hơn hàng Việt”, ông thẳng thắn đánh giá về những ưu điểm của hàng Thái Lan. Bởi vậy, theo ông Phú, áp lực đối với hàng Việt sẽ rất lớn, thậm chí đây là mối nguy lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam buộc họ phải tính toán.

Cần sự thay đổi mạnh mẽ ở các doanh nghiệp nội

Thay vì lo ngại sẽ có sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, hàng Việt sẽ khó cạnh tranh nếu không có sự thay đổi về chất lượng và giá cả. Vì vậy, các nhà sản xuất và các nhà phân phối bán lẻ phải bắt tay nhau để xây dựng chuỗi từ sản xuất, phân phối và bán lẻ hiệu quả nhằm giảm bớt giá thành.

Theo ông Phú, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam thay đổi và thành công với những chiến lược, bước đi phù hợp. “Đơn cử như hiện nay, BigC và Metro đang đi theo mô hình đại siêu thị, còn một số doanh nghiệp bán lẻ nội lại phát triển những cửa hàng nhỏ, đi sâu vào thị hiếu của người dân, lấy khách hàng là trọng tâm”, ông nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giam đốc Co.op Mart khu vực miền Bắc và miền Trung cho rằng, đây cũng là dịp các doanh nghiệp cần nhìn nhận thẳng thắn về những điểm yếu của mình, như: công nghệ, con người, vốn… để đầu tư và đáp ứng được nhu cầu nhằm củng cố thị phần của mình trên thị trường nội địa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc thường trực, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chia sẻ thêm rằng, trong quá trình hội nhập, việc hàng hóa từ nước ngoài được đưa vào Việt Nam cũng là điều bình thường.

Muốn hàng Việt cạnh tranh và có chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa, trước hết phải khẳng định chất lượng, có hệ thống phân phối ổn định, nhất là phải có chính sách phù hợp để cân bằng thị trường và tạo cơ hội cho hàng Việt cạnh tranh. Quan trọng hơn nữa là cần sự ủng hộ và sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là sự chia sẻ và ủng hộ của người tiêu dùng./.