"Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, do đó mọi chính sách phải hướng đến người dân, doanh nghiệp; người dân, doanh nghiệp tham gia đóng góp, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các chính sách có liên quan tới quyền, lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình…", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khi chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2023, khai mạc sáng nay (ngày 10/4), theo chinhphu.vn.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung khó, nhạy cảm
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có phạm vi rộng, đối tượng nhiều, thời gian ít, có tác động sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp, do đó chúng ta phải tập trung lắng nghe ý kiến của nhân dân (ảnh: VGP)

Theo chương trình, phiên họp sẽ thảo luận, cho ý kiến đối với 2 nội dung: việc lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội; việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Thủ tướng cho rằng, trước mắt, chúng ta phải tập trung các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến, thông qua 18 dự án luật, pháp lệnh. Đây là khối lượng công việc lớn, công tác chuẩn bị phải khẩn trương, kịp thời, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng.

"Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm; phạm vi rộng, đối tượng nhiều, thời gian ít, có tác động sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp, do đó chúng ta phải tập trung lắng nghe ý kiến của nhân dân, hoàn chỉnh và báo cáo Quốc hội. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng rất cấp bách vì lĩnh vực bất động sản có nhiều vấn đề 'nóng' phải tiếp tục từng bước giải quyết…", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trước khi trình và các luật có hiệu lực, nếu thấy các vấn đề nổi lên thì tiếp tục tập hợp, xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền theo quy định để khẩn trương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý.

Theo Thủ tướng, nhiều nội dung của các luật còn những điểm vướng mắc, cho nên chúng ta phải tích cực rà soát, sửa đổi. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung, chúng ta phải hết sức lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm. Đồng thời, phải làm tốt công tác truyền thông chính sách trước, trong và sau khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật với sự vào cuộc của các cơ quan soạn thảo và các cơ quan báo chí, truyền thông để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao.

Trước đó, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa diễn ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đối với 10 nội dung có ý kiến khác nhau, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị; căn cứ pháp lý; thực tiễn; ưu, nhược điểm; tính phù hợp với đặc thù của Việt Nam đối với từng loại ý kiến, quan điểm, lựa chọn của Chính phủ để hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét và thảo luận.

Cũng theo ông Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra theo các nội dung được phân công, gửi ý kiến thẩm tra bằng văn bản cho Ủy ban Kinh tế, để chủ trì tổng hợp, tổ chức thẩm tra toàn diện dự án Luật; xây dựng và hoàn thiện báo cáo thẩm tra đảm bảo chất lượng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong tháng 4/2023, để trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 tới./.