Dự thảo Điều lệ trường tiểu học sửa đổi: Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều
Chức danh lớp trưởng đối với tiểu học trước đây sẽ thay thế bằng chủ tịch hội đồng tự quản
Tăng tính tự chủ, hay tạo thói “háo danh”?
Về việc đảm bảo điều kiện học tập cho các em học sinh tiểu học, Dự thảo nêu rõ bình quân tối thiểu 10 m2 cho một học sinh đối với khu vực nông thôn, miền núi; 6 m2 cho một học sinh đối với khu vực thành phố, thị xã. Đối với trường học 2 buổi trong ngày được tăng thêm diện tích để phục vụ các hoạt động giáo dục toàn diện.
Tuỳ theo điều kiện ở địa phương, trường tiểu học có thể có thêm điểm trường ở những địa bàn khác nhau để thuận lợi cho trẻ đến trường. Hiệu trưởng phân công một phó hiệu trưởng hoặc một giáo viên chủ nhiệm lớp phụ trách điểm trường.
Đặc biệt, Dự thảo quy định mỗi lớp sẽ lập hội đồng tự quản với các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch do học sinh bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định luân phiên. Đồng thời, mỗi lớp học sẽ chia thành các tổ hoặc ban hoặc nhóm học sinh. Mỗi tổ ban, nhóm có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký do học sinh trong tổ, ban, nhóm bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Những lớp cùng trình độ lập thành khối lớp để phối hợp các hoạt động chung.
Về quy định này, trao đổi với Báo Lao động, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho rằng trước kia, lớp trưởng nhiều khi đứng ra làm thay giáo viên theo dõi, đôn đốc các bạn học hành, theo dõi bạn nào đi học muộn, bạn nào chưa học thuộc bài,… thì bây giờ, việc ấy không phải các em làm thay mà chính các em tự bảo ban nhau, các em bình bầu, theo dõi, giám sát lẫn nhau.
“Điều này, không nhằm mục đích giảm nhẹ trách nhiệm cho giáo viên, nhà trường mà chính là tăng khả năng tự chủ, tự quản, khả năng sinh hoạt cùng nhau, khả năng trao đổi góp ý lẫn nhau, gọi nôm na là tăng kỹ năng sống cho các em học sinh” – Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo nhiều giáo viên, mô hình trường học mới sau khi áp dụng thử nghiệm ở một số trường cho thấy phản ứng của học sinh rất bình thường, không có xáo trộn gì đặc biệt. Xu hướng đào tạo hiện nay nhằm mục đích giúp các bé năng động, tự chủ hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của văn hóa, xã hội.
Tuy nhiên, dư luận xã hội không ít các ý kiến cho rằng vấn đề mấu chốt trong đổi mới giáo dục không phải là chuyện xưng hô sao cho kêu mà là cách giáo dục các em sống có tự trọng, danh dự, đạo lý, làm người có ích cho Tổ quốc... Thậm chí, một số người đánh giá cách gọi lớp trưởng là chủ tịch sẽ gieo vào đầu con trẻ thói háo danh, ham chức tước quyền hành.
Khó khăn trong xếp lớp
Dự thảo nêu rõ về quyền lợi của học sinh, các em phải được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng; được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình; được đảm bảo những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập và rèn luyện. Được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu; được trực tiếp bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về việc xây dựng nhà trường và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của học sinh; được chăm sóc và giáo dục hoà nhập (đối với học sinh khuyết tật) theo quy định.
Bên cạnh đó, giáo viên không được có những hành vi, lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh; Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; Uống rượu, bia, hút thuốc lá khi tham gia các hoạt động giáo dục ở nhà trường, sử dụng điện thoại di động khi đang giảng dạy trên lớp; Bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tuỳ tiện cắt xén chương trình giáo dục.
Dự thảo cũng nhấn mạnh, trong quá trình học tập, giáo viên chủ nhiệm cần liên hệ chặt chẽ với cha mẹ học sinh của lớp để thông báo chất lượng giáo dục của từng học sinh tới từng phụ huynh, không thông báo trước cả lớp; thống nhất kế hoạch phối hợp giúp đỡ học sinh chưa hoàn thành các nhiệm vụ học tập và rèn luyện; biểu dương kịp thời học sinh nỗ lực học tập và rèn luyện tốt; bảo đảm phối hợp tốt giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường.
Bên cạnh đó, duy trì việc không chấm điểm học sinh tiểu học theo tinh thần Thông tư 30, Dự thảo quy định học sinh học hết chương trình tiểu học theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được hiệu trưởng xác nhận trong học bạ hoàn thành chương trình tiểu học; kết quả đánh giá của học sinh được bàn giao cho trường trung học cơ sở cùng địa bàn.
Với những em có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến trường, theo học ở cơ sở khác trên địa bàn, học sinh nước ngoài về nước, được hiệu trưởng trường tiểu học nơi tổ chức xét hoàn thành chương trình tiểu học cấp giấy xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học.
Đặc biệt, Dự thảo quy định mỗi lớp học không được quá 35 học sinh. Đây là quy định được sự đồng tình khá lớn của dư luận.
Tuy nhiên, khó khăn lại thuộc về phía nhà trường, đặc biệt là các trường ở các đô thị lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Một thực tế là nhiều đô thị lớn như Hà Nội việc mở rộng trường lớp không hề dễ khi dân cư tập trung về tăng quá nhanh, quy hoạch trường lớp không kịp đáp ứng. Trong khi yêu cầu phổ cập giáo dục, bậc tiểu học 100% học sinh phải được đến trường.
Đa phần lớp học tại Hà Nội hiện nay sĩ số lớp mỗi học đều trên 50 em./.
Bình luận