Giáo viên “vất vả” nhận xét

Từ năm học 2014-2015, thực hiện Thông tư 30 các trường tiểu học phải thay đổi cách đánh giá học sinh. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ ghi nhận xét để đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều giáo viên tại nhiều trường tiểu học trên cả nước, việc làm này đã và đang gây không ít áp lực cho họ.

Tại Diễn đàn Đánh giá kết quả 1 năm thực hiện thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 20/5/2016, Liên hiệp đã công bố kết quả khảo sát nhỏ ở một số tỉnh, thành phố về thực trạng thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.

Kết quả phỏng vấn giáo viên qua phiếu hỏi cho thấy, hầu hết giáo viên đã được tập huấn về Thông tư 30 ở trường hoặc ở quận/huyện thậm chí ở Trung ương. Trong đó, có 95,2% số giáo viên đựợc hỏi đều khẳng định: thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 giáo viên rất vất vả hơn nhiều so với trước đây, đặc biệt giáo viên ở vùng nông thôn.

Mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh. Thời gian trung bình trong ngày dành cho nhận xét học sinh là 92,47 phút. Giáo viên gặp khó khăn trong việc nhận xét kết quả học tập của học sinh vì thiếu kỹ năng diễn đạt, tìm từ ngữ sát hợp với từng trường hợp cụ thể để không bị trùng lặp.

Theo quy định, lời nhận xét phải tinh tế, tránh làm tổn thương học sinh và không được lặp lại... vì thế giáo viên phải mất nhiều thời gian và nhiều lúc lời phê không phản ánh cụ thể năng lực của học sinh. Bởi thực tế, với giáo viên chủ nhiệm mới có thể nắm bắt rõ từng học sinh, nên ghi nhận xét còn sát với từng em, nhưng với giáo viên bộ môn thì chỉ nhận xét chung chung vì phải dạy nhiều lớp, một lớp trung bình cũng phải trên dưới 35 học sinh, giáo viên không thể nhớ hết điểm mạnh, điểm yếu của từng em.

Cùng với việc nhận xét theo ngày thì hàng tuần, hàng tháng và nhất là cuối học kỳ, cuối năm học, mỗi giáo viên cũng phải đánh giá, ghi chép vào nhiều cuốn sổ, như: Sổ theo dõi chất lượng giáo dục học sinh, sổ dự giờ, học bạ... Trong đó, không ít sổ, yêu cầu tương tự nhau nhưng giáo viên vẫn cứ phải ghi đi, chép lại tỉ mỉ, tốn rất nhiều thời gian. Đây đang là áp lực đối với không ít giáo viên.

Chính vì khó khăn đó mà một số giáo viên tìm cách đối phó (đưa ra các loại ký hiệu thay cho điểm số như bông hoa, ngôi sao, mặt người cừời, mếu…) và nhiều giáo viên chỉ có lời nhận xét chung chung áp dụng cho nhiều trường hợp, kiểu như “em học tốt”, “em cần cố gắng hơn”… mà không chỉ ra được tốt ở chỗ nào và cần cố gắng ở chỗ nào.

Học sinh có động lực học tập?

Việc thay chấm điểm bằng nhận xét của giáo viên là cách thức nhằm giảm bớt áp lực học tập cho học sinh, tuy nhiên, theo nhiều phụ huynh điều này cũng tạo ra sự nhàm chán cho các em khi lời nhận xét của giáo viên không có gì mới, chỉ chung chung, thậm chí “hời hợt”. Nhiều phụ huynh cho rằng từ sự nhàm chán này đã và đang làm giảm động lực học tập của học sinh. Các em sẽ không còn động lực đối với các cuộc thi đua giành “hoa điểm 10”.

Điển hình như ở tỉnh Bình Định, theo thống kê kết quả đánh giá học sinh cuối năm học 2014-2015, số học sinh Không hoàn thành chiếm tỷ lệ gần bằng với số học yếu, kém của năm ngoái. Cũng có nghĩa việc thực hiện Thông tư 30 không tạo thay đổi lớn đến toàn cục kết quả đánh giá học sinh so với năm học trước (Ngọc Tú, 2015).

Bên cạnh đó, ở Thanh Hóa, theo báo cáo của nhiều huyện trong Tỉnh cho rằng, việc thực hiện Thông tư 30 chưa gây được hứng thú học tập cho đối tượng học sinh khá, giỏi, những học sinh có học lực khá, giỏi vẫn có tâm lý thích điểm số để chứng tỏ thành tích học tập của mình.

Tại Diễn đàn Đánh giá kết quả 1 năm thực hiện thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS,TSKH Nguyễn Kế Hào - Trường Đại học sư phạm Hà Nội chia sẻ “Hai năm vừa qua tôi thấy rất buồn, khi các cấp học không có học sinh giỏi”.

Việc đánh giá kết quả của người học phải nhằm mục đích giúp người học tiến bộ trong mỗi quá trình đó. Vì thế đánh giá bằng điểm chỉ cho người học biết rằng kiến thức họ đạt được bao mức bao nhiêu trong tổng số mà chưa chỉ ra cho họ biết họ đã làm được những gì và cần phải làm gì để tiến bộ hơn.

Mặc dù đa phần người dân đều thừa nhận, điểm số không thể là công cụ đánh giá kết quả cuối cùng của người học. Cách đánh giá bằng nhận xét sẽ là một trong những giải pháp tập trung vào người học và giúp người học giải quyết được những khó khăn trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, đánh giá như thế nào, cách thức tưởng đơn giản nếu chỉ một thầy - một trò, nhưng sẽ là vô cùng khó khăn khi một thầy - nhiều trò và gánh nặng, trách nhiệm của người thầy nhân lên gấp bội. Cần có hướng giải quyết những khó khăn này để không để mục tiêu giảm áp lực học tập thành giảm động lực học tập của các em học sinh.

Theo quy định của Thông tư 30, giáo viên sẽ đánh giá học sinh trên 3 nội dung: Chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học; Năng lực (tự phục vụ; giao tiếp hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề); Phẩm chất (chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỷ luật, đoàn kết; yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước).

Nguồn tham khảo:

1. PV (2016). Thông tư 30: Giáo viên nói thật phải... đối phó, truy cập từ http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/thong-tu-30-giao-vien-noi-that-phai-doi-pho-3308938/

2. Ngọc Tú (2015). Sau 1 năm học đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30: Kết quả chưa như mong muốn, truy cập từ http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=6&macmp=7&mabb=43942

3. Phong Sắc (2015). Nhiều bất cập trong thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, truy cập từ http://baothanhhoa.vn/vn/xa-hoi/n143492/Nhieu-bat-cap-trong-thuc-hien-Thong-tu-30-ve-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc