Đây là nhận định của ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tại tọa đàm “Đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 24/10.

Nhiều lợi ích khi sử dụng hóa đơn điện tử

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hóa đơn điện tử đã được triển khai sử dụng cách đây vài ba năm. Đến nay, số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đã tăng lên theo từng năm.

“Nếu như đến hết năm 2016 mới có khoảng 700-800 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, thì đến hết tháng 06/2017, đã có khoảng 2.700 doanh nghiệp với 300 triệu hóa đơn điện tử được ghi nhận”, ông Trí thông tin.

Các đại biểu trong tọa đàm

Nói về lợi ích mà hóa đơn điện tử đem lại, ông Trí cho biết, việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

Đối với cơ quan thuế, thì lợi ích mạng lại đó là hình thành được một cơ sở dữ liệu về hóa đơn phục vụ công tác quản lý thuế, kiểm tra, đối chiếu, rà soát cũng như kịp thời phát hiện những hành vi gian lận trong việc phát hành hóa đơn.

Còn đối với doanh nghiệp, ông Trí cho rằng, trước đây, việc lập hóa đơn của doanh nghiệp hoàn toàn mang tính thủ công, nhưng đến nay cùng với việc triển khai các phần mềm kế toán quản trị, toàn bộ hệ thống lưu trữ, vận chuyển, chuyển nhận của hóa đơn điện tử đều được thực hiện qua kênh điện tử. Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều về thời gian và chi phí cho người nộp thuế trong việc bảo quản, lưu trữ và sử dụng hóa đơn.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng ủng hộ việc doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, bởi việc đăng kí gọn nhẹ sẽ giúp doanh ngiệp tiết kiệm được chi phí trong khâu quản lý, kế toán, in hóa đơn..., đồng thời giảm thiểu rủi ro hóa đơn giả cho doanh nghiệp và những trục trặc về thủ tục thuế mà trước đây không kiểm soát được.

Ngoài ra, ông Tuấn còn cho biết, việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ làm cho mọi giao dịch được trở nên minh bạch hóa, từ đó giảm thất thu ngân sách, giúp môi trường kinh doanh bình đẳng. Đồng thời, áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giảm được rất nhiều nhân lực, chi phí quản lý cho ngành thuế như trong các khâu phải cử người đi xác minh hóa đơn...

4 băn khoăn từ doanh nghiệp

Mặc dù sử dụng hóa đơn điện tử có nhiều lợi ích, song vẫn còn nhiều lo ngại xung quanh việc sử dụng này.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, có 4 băn khoăn về việc sử dụng hóa đơn điện tử mà doanh nghiệp hay phản ánh với VCCI. Trong đó, mức độ áp dụng công nghệ thông tin, liệu có phù hợp không là lo ngại đầu tiên. Bởi, khi điều tra các doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố, thì một trong những hạn chế khi áp dụng thuế, kê khai thuế qua mạng ở cuối kỳ là tình trạng nghẽn mạng, tạo ra khó khăn nhất định có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Tiếp đến là sự kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, như: cơ quan thuế, thị trường, hải quan, ngân hàng có đồng bộ hay không? Bởi, nếu hệ thống kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước không tốt, phân mảnh, thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại trực tiếp.

Thứ ba là về chi phí, với doanh nghiệp doanh thu ít họ cũng lo ngại, việc trả chi phí cao hằng năm cho tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử sẽ tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Cuối cùng, về lộ trình thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử. Các doanh nghiệp băn khoăn có nên giãn lộ trình, thực hiện từng bước với quan điểm thận trọng (theo phương án thảo Nghị định sửa đổi Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ, thì từ ngày 01/01/2018 các doanh nghiệp lớn sẽ áp dụng ngay hóa đơn điện tử).

“Họ cũng lo ngại, yêu cầu về thanh tra, kiểm tra đáp ứng như thế nào? Rủi ro có thể phát sinh trong quá trình áp dụng...?”, ông Tuấn cho biết.

Đòi hỏi sự chuyển động đồng bộ từ các bộ ngành

Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, ông Trí cho biết, về hạ tầng thông tin, trong nhiều năm qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều hoạt động giao dịch thuế điện tử, như: đăng ký thuế điện tử, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế... Theo đó, khi triển khai, các vấn đề, như: hạ tầng đường truyền, cơ sở vật chất , thiết bị… luôn được Tổng cục Thuế đặt lên hàng đầu.

Ngoài ra, Tổng cục cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông có ý kiến và câu trả lời là hầu hết trên cả nước đều phủ sóng 3G, 4G. Từ đó cho thấy các doanh nghiệp đã sãn sàng thực hiện các hoạt động thuế qua mạng.

Còn góc độ về cơ sở vật chất, trang thiết bị của doanh nghiệp, trong hóa đơn điện tử, Tổng cục cũng sẽ tiếp cận đến các thiết bị khác nhau.

Về lộ trình thực hiện, qua ý kiến của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế sẽ cân nhắc các phương án trình bộ Tài chính và Chính phủ cho lùi lại đến 01/07/2019.

Về tính thông suốt của hệ thống, khác với hoạt động kê khai nộp thuế, hoạt động hóa đơn điện tử diễn ra thường xuyên hằng này, hàng giờ. Có yếu tố thời hạn kê khai nộp thuế trước ngày 20 hằng tháng, tuy nhiên do các doanh nghiệp đều đợi sát tới ngày đó mới làm, nên sẽ chậm hơn ngày thường, bản thân doanh nghiệp phải thay đổi để không nghẽn mạng.

Riêng về sự kết nối giữa các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Đại Trí cho rằng, để áp dụng hóa đơn điện tử vào cuộc sống, thì cần có sự vào cuộc tích cực và đồng bộ hơn nữa từ các cơ quan chức năng.

“Đây không phải là chuyện của riêng ngành thuế mà còn liên quan dến các cơ quan chức năng khác. Với những hoá đơn giấy hiện nay khi doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá phải mang theo hoá đơn, nên khi doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử thì đòi hỏi cơ quan chức năng phải triển khai đồng bộ để làm sao sử dụng được cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử chung, đảm bảo thông thương thuận lợi cho hàng hóa của doanh nghiệp”, ông Trí nhấn mạnh.

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng, để áp dụng thành công hóa đơn điện tử phải cần trách nhiệm cả hai phía. Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần phát triển hạ tầng, có phương án phù hợp và có hệ thống pháp lý đầy đủ. Còn các doanh nghiệp cần định hướng rõ ràng trong áp dụng công nghệ thông tin, vì việc áp dụng công nghệ thông tin, trong đó có hóa đơn điện tử là xu hướng không thể đảo ngược.

“Đầu tư ban đầu cần một khoản đầu tư nhỏ, nhưng doanh nghiệp có thể tin rằng những khoản tiết kiệm chi phí sẽ có lợi nhiều về sau, bởi mọi giao dịch đều được điện tử hóa, doanh nghiệp không phải đầu tư nhiều nhân lực và thời gian”, ông Tuấn nhấn mạnh./.