Ngày 20/09/2019, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo Giáo dục năm 2019 với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” .

Toàn cảnh Hội thảo

Nhận thức về GDNN ở một số địa phương còn chưa đầy đủ

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, đến tháng 6 năm nay, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN. Về tuyển sinh GDNN, từ năm 2017 đến 2018, do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, nhận thức của người dân và xã hội đã có những thay đổi. Do đó, kết quả tuyển sinh tốt hơn năm 2016, đạt hơn 2,2 triệu người/năm, vượt khoảng 100,2% đến 100,5%.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nêu rõ, hệ thống GDNN đã và đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ, đồng bộ. Các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN như chương trình đào tạo, nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo… được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa. Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên. Hơn 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ở một số nghề và một số cơ sở GDNN, tỷ lệ này đạt gần 100%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng thừa nhận, một trong những khó khăn của phát triển GDNN là do nhận thức về GDNN ở một số địa phương chưa đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ.

“Trong khi đó, một bộ phận xã hội vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của GDNN trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; tâm lý coi trọng bằng cấp vẫn còn nặng nề; việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT không đạt mục tiêu đề ra” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết.

Cũng có chung nhiều điểm tương đồng với đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Wendy Cunningham - đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp nghiệp của Việt Nam còn nhiều hạn chế, trong khi năng suất lao động vẫn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực, khoảng 67% lực lượng lao động của Việt Nam có trình độ trung học trở xuống.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, giáo dục nghề nghiệp sẽ mãi khó khăn nếu vẫn giữ nguyên hệ thống như hiện nay. Những bất cập về chính sách đầu tư, về tư duy quản lý khiến cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như đang phải tham gia một cuộc đua không công bằng.

Còn ông Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên cho hay, các trường cao đẳng dạy nghề đang đứng trước thách thức lớn từ chính chính sách, đặc biệt là nguy cơ bị tước quyền tự chủ tuyển sinh.

"Đại học được cho mở cửa quá rộng rãi, tuyển hết rồi thì cao đẳng lấy đâu học viên để tuyển. Không có học viên thì không có tiền, mà không có tiền thì khó nói đến tự chủ hay đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Ngọc nói.

Ông Bùi Phương Việt Anh, một người có thâm niên đưa học sinh đi thi tay nghề quốc tế cho rằng, GDNN chưa phát triển không phải lỗi của người học chỉ thích đại học và cũng không phải do các trường đại học hút hết người. “Mà do chúng ta chưa giúp cho xã hội nhận thức được rằng quan trọng là trình độ năng lực chứ không phải bằng cấp”.

Rất cần chính sách giúp nhà trường “gặp” doanh nghiệp

Để khắc phục các hạn chế, theo ông Phạm Xuân Khanh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, thời gian tới, cần phải điều chỉnh cơ cấu trình độ hợp lý trong lực lượng lao động. Đồng thời, thành lập các Trung tâm STEM, trải nghiệm sáng tạo và định hướng nghề nghiệp trong các cơ sở đào tạo nghề để cho học sinh THPT được học thử nghề, trải nghiệm thực tế các ngành nghề khác nhau trước khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp là giải pháp phân luồng có hiệu quả nhất hiện nay.

Nghiêng về góc độ chính sách, bà Vi Thị Hồng Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ rõ, thời gian qua, dù đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia nâng cao chất lượng đào tạo nghề được ban hành. Tuy nhiên, nhiều chính sách chưa đến với doanh nghiệp, có thể là doanh nghiệp chưa nắm được chính sách, hoặc chính sách chưa đi vào thực tế... Vì thể, để hội nhập “rất cần chính sách giúp nhà trường “gặp” doanh nghiệp”, bà Minh nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng, cần có giải pháp tạo sự đột phá, mang tính dẫn dắt cho các cơ sở GDNN nâng cao chất lượng đào tạo. Đó là chuyển giao bộ chương trình từ nước ngoài một cách đồng bộ từ chuẩn đầu ra, kiến thức kỹ năng, phương pháp, chương trình, giáo trình đào tạo và chuẩn cơ sở vật chất thiết bị, chuẩn giáo viên... Từ đó, đào tạo thành công công nghệ, tiếp cận chuẩn và cấp văn bằng chứng chỉ theo chuẩn của các nước tiên tiến... tạo thành động lực áp dụng trong toàn hệ thống, nâng cao chất lượng trong GDNN./.