Tầm quan trọng của rừng già và các cây cổ thụ được thể hiện rõ ràng qua hai khía cạnh chính: khía cạnh sinh thái và khía cạnh văn hóa [1]. Gần đây, bằng cách áp dụng quan điểm toàn cầu về đa dạng sinh học và phân tích sự phân bố độ tuổi của các loài cây, một bài báo trên Science đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo tồn các cây cổ thụ quý hiếm trong rừng [2]. Bài báo đã chỉ ra rằng việc bảo vệ những loài cây cổ thụ có thể ngăn chặn sự tuyệt chủng của chúng, đồng thời giúp duy trì sức khỏe tổng thể và khả năng phục hồi của hệ sinh thái rừng, cũng như bảo tồn giá trị đa dạng sinh học [2].

Có thể nói, các cây cổ thụ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự đa dạng của hệ sinh thái rừng. Với tầm vóc lớn và tuổi thọ lâu đời, chúng tạo ra một môi trường sống và là một nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho nhiều loài thực vật và động vật trong rừng [2]. Các tán cây rộng tạo ra môi trường sống đặc biệt, cung cấp nơi ẩn náu cho nhiều sinh vật như thực vật biểu sinh, chim, côn trùng và động vật có vú [3]. Các hốc cây tự nhiên cũng là nơi trú ngụ và làm tổ quan trọng cho nhiều loài chim, dơi và thú có túi [4].

Giá trị sinh thái và văn hóa của rừng già và các cây cổ thụ
Pando, một quần thể cây dương rung ở Utah, Hoa Kỳ, được biết đến là có tuổi đời lâu đời nhất trên Trái Đất (khoảng 14.000 năm tuổi). Nguồn: J Zapell

Ngoài ra, các khu rừng già còn có thể giúp điều chỉnh khí hậu địa phương cũng như đóng góp quan trọng trong việc hấp thụ carbon bằng cách hấp thụ và giữ lại lượng lớn khí CO2 từ khí quyển. Hệ thống rễ rộng lớn của chúng giúp ổn định đất, ngăn ngừa sự xói mòn và mất chất dinh dưỡng, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển của thảm thực vật dưới tán cây, góp phần tăng cường khả năng phục hồi và sức sống của hệ sinh thái [5].

Hơn nữa, các cây cổ thụ không chỉ có ý nghĩa sinh thái mà còn mang lại ý nghĩa văn hóa và lịch sử sâu sắc cho cộng đồng trên toàn thế giới. Chúng thường được coi là biểu tượng của trí tuệ, sự kiên cường và là sợi dây kết nối giữa con người với thiên nhiên. Đặc biệt, các cây cổ thụ cũng có thể được xem là di sản văn hóa quan trọng, thường xuất hiện trong các tín ngưỡng truyền thống, tôn giáo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác [6, 7].

Hiểu được vai trò của các cây cổ thụ là cần thiết để khuyến khích các hoạt động bảo tồn, đảm bảo sự phát triển và duy trì sự tồn tại của các loài khác nhau trong rừng, từ đó bảo vệ toàn bộ hệ sinh thái rừng [2]. Ngoài ra, việc bảo tồn sự đa dạng về loài cây và tuổi của chúng cũng rất quan trọng để giúp rừng phục hồi sau các tác động của ô nhiễm môi trường, duy trì sự sống của hệ sinh thái. Đặc biệt, các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao như Nam và Trung Mỹ, Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương cần được ưu tiên trong các nỗ lực bảo tồn [2].

Để đạt được những mục tiêu đó, việc tăng cường nhận thức về ý nghĩa sinh thái của các cây cổ thụ là điều cực kỳ quan trọng. Quá trình này sẽ thúc đẩy các hoạt động bảo tồn nhằm bảo vệ các yếu tố quan trọng của hệ sinh thái rừng./.

Tài liệu tham khảo

[1] Piovesan G, et al. (2022). Ancient trees: irreplaceable conservation resource for ecosystem restoration. Trends in Ecology & Evolution, 37, 1025-1028. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0169534722002233

[2] Pennisi E. (2022). Rare and ancient trees are key to a healthy forest. Science. https://www.science.org/content/article/rare-and-ancient-trees-are-key-healthy-forest

[3] Jauss RT, et al. (2020). From forest soil to the canopy: increased habitat diversity does not increase species richness of Cercozoa and Oomycota in tree canopies. Frontiers in Microbiology, 11, 592189. https://www.frontiersin.org/journals/microbiology/articles/10.3389/fmicb.2020.592189/full

[4] Lindenmayer D, et al. (2011). Cross-sectional vs. longitudinal research: a case study of trees with hollows and marsupials in Australian forests. Ecological Monographs, 81(4), 557-580. https://esajournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1890/11-0279.1

[5] Gilhen-Baker M, et al. (2022). Old-growth forests and large old trees as critical organisms connecting ecosystems and human health. A review. Environmental Chemistry Letters, 20(2), 1529-1538. https://link.springer.com/article/10.1007/s10311-021-01372-y

[6] Vuong QH. (2023). Mindsponge Theory. Walter de Gruyter GmbH. https://books.google.com/books?id=CHegEAAAQBAJ

[7] Blicharska M, Mikusinski G. (2014). Incorporating social and cultural significance of large old trees in conservation policy. Conservation Biology, 28(6), 1558-1567. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25115905/