Ngành Gỗ Việt Nam cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành chế biến gỗ của Việt Nam đã và đang giữ một vị trí quan trọng trên bản đồ các nước cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới. Thương hiệu gỗ Việt đã dần được hình thành và phát triển, tạo nền tảng thúc đẩy mở rộng thị trường.
Thời gian qua, nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với sự lớn mạnh của ngành gỗ cả trên phương diện xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Bình quân, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4 - 4,5 triệu mét khối gỗ quy tròn tương đương 1,8 - 2 tỷ USD về kim ngạch. Gỗ nhập khẩu không chỉ đa dạng về nguồn nhập khẩu, mà còn về số lượng các loài nhập khẩu. Mỗi năm có khoảng 150-160 loài gỗ khác nhau được nhập vào Việt Nam từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (gọi là mặt hàng gỗ) của Việt Nam đạt gần 7 tỷ USD, nằm trong số các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước. Các mặt hàng gỗ của Việt Nam hiện đang được tiêu thụ tại nhiều thị trường, trong đó Hoa Kỳ và EU là 2 trong số các thị trường quan trọng nhất. Năm 2016 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào 2 thị trường này chiếm 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Bên cạnh thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa là một trong những hợp phần quan trọng của ngành gỗ Việt. Với dân số trên 90 triệu dân và một tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở nhiều địa phương, quy mô tiêu thụ các mặt hàng gỗ tại thị trường nội địa được cho là rất lớn.
Mặc dù ngành gỗ Việt Nam đang tiếp tục được mở rộng nhưng vẫn còn có những hạn chế. Theo ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Fosest Trends, hội nhập thị trường quốc tế luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với các mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu. Một trong những rủi ro lớn là sự pha trộn các nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu, được coi là có rủi ro cao, thường là gỗ có nguồn gốc từ một số nước tiểu vùng sông Mekong và châu Phi với các nguồn gỗ nguyên liệu sạch, được nhập khẩu từ các quốc gia như Hoa Kỳ, EU đã tác động tiêu cực và ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Tôn Quyền bày tỏ lo ngại khi áp dụng Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU, nguồn cung các mặt hàng được làm từ các loại gỗ quý được xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không thể tồn tại. Bên cạnh đó, việc sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề gỗ truyền thống tại Đồng Kỵ (Bắc Ninh); Liên Hà, Vạn Điểm (Hà Nội); La Xuyên (Nam Định); Hố Nai (Bình Dương) có thể bị đảo lộn.
Tại Hội thảo, ý kiến của các đại biểu cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là chính phủ và ngành Gỗ cần có những đánh giá chi tiết về các tác động do việc thực thi VPA có thể đem lại trong tương lai, đặc biệt là các tác động đối với các làng nghề gỗ truyền thống. Kết quả của các đánh giá này là nguồn thông tin đầu vào quan trọng cho chính phủ và ngành Gỗ nhằm đưa ra các cơ chế chính sách giảm thiểu tác động trong tương lai. Bên cạnh đó, cần loại bỏ các nguồn gỗ nguyên liệu có rủi ro cao nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu và hình ảnh của ngành gỗ Việt.
Ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, việc loại bỏ nguồn cung gỗ rủi ro không chỉ đòi hỏi những cam kết mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, mà còn cần đến các cơ chế quản lý và giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý, từ cấp trung ương đến địa phương trong việc quản lý nhập khẩu gỗ nguyên liệu. “Nguyên liệu gỗ phải là gỗ rừng trồng có chứng chỉ Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững FSC và phải là gỗ được nhập khẩu từ các nguồn không có rủi ro” ông Quyền nhấn mạnh thêm.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành gỗ, kể cả các làng nghề truyền thống, đều ký cam kết không sử dụng gỗ bất hợp pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành gỗ Việt Nam./.
Bình luận