Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phiên đàm phán cấp cao lần thứ 6 giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, Quản trị và Thương mại lâm sản (FLEGT-VPA) đã đạt được tiến triển quan trọng như: Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) được triển khai không chỉ đối với thị trường EU, mà cho cả thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu khác. Hơn nữa, một điểm khác đạt được là cơ chế cấp phép FLEGT đối với gỗ xuất khẩu sang thị trường EU.

Mặt khác, việc xác minh dựa trên rủi ro và kiểm soát gỗ nhập khẩu, trong bối cảnh hai bên đều nhìn nhận về tính phức tạp của việc truy xuất nguồn gốc gỗ tại nước khai thác và trách nhiệm của nhà nhập khẩu trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ.

Phiên đàm phán cấp cao lần thứ 6 này tiếp nối 13 phiên họp nhóm chuyên gia kỹ thuật và 5 phiên đàm phán cấp cao được tổ chức tại Hà Nội và Brussels trong thời gian qua, tạo nền tảng cơ sở cho việc kết thúc đàm phán Hiệp định. Phiên đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức tại Brussels vào đầu tháng 7/2016.

Hai bên cam kết kết thúc đàm phán vào cuối năm 2016, trên tinh thần đó, hai bên đã xác định lộ trình thực hiện hiệp định sau khi được ký kết nhằm vận hành hệ thống cấp phép FLEGT trong thời gian sớm nhất.

EU chỉ chấp nhận nhập khẩu gỗ có nguồn gốc hợp pháp

Hiệp định VPA có mục tiêu nhằm đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ từ tất cả các nguồn, được chế biến và xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường các nước thành viên EU là hợp pháp. Hiệp định này bổ sung cho Hiệp định thương mại tự do FTA giữa EU và Việt Nam vừa được hai bên kết thúc đàm phán vào tháng 12/2015 tại Brussel, Bỉ.

Việc thực hiện Hiệp định VPA sẽ đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp sẽ được xuất khẩu từ Việt Nam, góp phần mở rộng thị trường EU và các thị trường xuất khẩu khác, tăng cường sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp và công nghiệp gỗ của Việt Nam; đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tăng cường thực thi lâm luật và quản trị rừng.

Với 500 triệu dân và kinh tế phát triển, EU chiếm khoảng 1/4 thị trường tiêu thụ đồ gỗ thế giới.

EU là một trong 5 thị trường lớn nhập khẩu gỗ và các sản phẩm lâm sản của Việt Nam. Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 7 tỷ đô la Mỹ sản phẩm liên quan tới rừng, thì sang EU đạt trên 700 triệu đô la Mỹ, tương đương 10%.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang xuất vào EU chủ yếu theo hình thức FOB, tức khách hàng đến mua và giao hàng tại cảng Việt Nam nên có sự phối hợp tốt giữa doanh nghiệp EU và doanh nghiệp Việt Nam, và do đó, sản phẩm Việt Nam xuất vào EU là gỗ hợp pháp. Song, Hiệp định này hướng đến kiểm soát thật tốt gỗ hợp pháp với tất cả doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ vào EU. Khi hiệp định có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất vào EU sẽ được cấp giấy phép FLEGT và giấy phép này là niềm tin của cả hai bên trong việc kiểm soát hàng hóa.

Việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU cũng như Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA/FLEGT) với EU đang đến hồi đàm phán cuối cùng. Hiệp định này dự kiến sẽ giúp cho việc xuất khẩu gỗ sang EU tăng lên khoảng 1 tỷ USD/năm./.

Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) thuộc Chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) (gọi tắt là VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), nội dung chính của Hiệp định là Việt Nam phải xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (gọi tắt là TLAS). Hệ thống bao gồm 5 thành phần chính, gồm: Định nghĩa gỗ hợp pháp; kiểm soát chuỗi cung ứng; xác minh tính tuân thủ về định nghĩa gỗ hợp pháp của các tổ chức và hộ gia đình; hệ thống cấp phép FLEGT và đánh giá độc lập.

Mục đích của việc đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU là nhằm đạt được một thỏa thuận tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU và tăng khả năng thích ứng của họ với quy định về trách nhiệm giải trình tại Quy chế gỗ hợp pháp của EU (EUTR) có hiệu lực từ tháng 3/2013.

Tài liệu tham khảo

1. Thùy Dung (2016). Sớm kết thúc về nguồn gốc gỗ xuất khẩu sang EU, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/144998/Som-ket-thuc-dam-phan-ve-nguon-goc-go-XK-sang-EU.html

2. TTXVN (2016). Việt Nam – EU đạt thỏa thuận về thị trường xuất khẩu gỗ hợp pháp, truy cập từ http://www.vietnamplus.vn/viet-nameu-dat-thoa-thuan-ve-thi-truong-xuat-khau-go-hop-phap/381100.vnp