“Giải mã” thâm hụt thương mại với Trung Quốc
Nguy cơ gia tăng
Theo nghiên cứu mới công bố của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam theo đường chính ngạch tăng trưởng 30%/năm, nhanh hơn xuất khẩu (20%/năm) làm cho xu hướng thâm hụt có nguy cơ gia tăng.
Về giá trị, hàng hóa nhập khẩu tăng gần 26 lần sau 13 năm, từ 1,4 tỷ USD năm 2000 lên 36,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với xuất khẩu (9 lần, từ 1,5 tỷ USD lên 13,3 tỷ USD).
Trong khi đó, Việt Nam đạt được thặng dư thương mại với Mỹ, EU và Nhật Bản. Thâm hụt của Việt Nam với Trung Quốc là cao nhất khi so sánh với các nước ASEAN khác với Trung Quốc.
Malaysia, Philippines, Thái Lan đều đạt thặng dư thương mại với Trung Quốc, trong khi Indonesia và Việt Nam, Singapore, lại bị thâm hụt.
Theo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu của CIEM, lý do thâm hụt của Singapore có thể giải thích bằng việc Singapore là điểm trung chuyển hàng hóa, nên việc thâm hụt không hoàn toàn thể hiện quan hệ xuất - nhập khẩu của Singapore, Indonesia thâm hụt ở mức thấp khoảng 5 tỷ USD năm 2013, nhưng thâm hụt của Việt Nam là nặng nhất.
Đặc biệt, hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu Trung Quốc có tốc độ tăng rất cao về giá trị theo thời gian.
Nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn 2010-2013, trung bình mỗi năm giá trị nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng 41,3%. Năm 2013, giá trị hàng tiêu dùng nhập từ Trung Quốc đạt 10,1 tỷ USD, gấp 2,8 lần năm 2010. Hàng tiêu dùng Trung Quốc thường có giá rẻ hơn hàng Việt Nam, mẫu mã chủng loại cũng đa dạng hơn do vậy đã chiếm lĩnh được phân khúc thị trường cho nông thôn, người nghèo thành thị.
Lý giải về việc Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc, các chuyên gia của CIEM chỉ rõ, ngoài việc gia tăng nhóm hàng tiêu dùng, trong đó chủ yếu là bán lâu bền (quần áo, các sản phẩm tiêu dùng dưới 3 năm, tăng từ 35% năm 2010 lên 62,8% năm 2013), nhập siêu của Việt Nam còn gắn với nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI.
Các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam chủ yếu sử dụng sản phẩm nhập khẩu làm đầu vào do Việt Nam chưa đủ nguồn cung cũng như các yếu tố khác.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tốc độ tăng nhập khẩu của khối FDI cao và ngay cả khối FDI cũng đã xuất hiện hiện tượng nhập siêu. Năm 2012, khu vực này nhập siêu 4 tỷ USD, năm 2013 lên 6,4 tỷ USD.
Một lý do khác là các dự án EPC của Trung quốc tại Việt Nam chủ yếu sử dụng nguồn cung từ Trung quốc.
Trong khi đó Trung Quốc trúng thấu rất lớn ở nhiều công trình. Ví dụ ngành xi măng có tới 23 nhà máy có tổng thầu là Trung Quốc, với tỷ lệ nội địa hóa chỉ 3%, nhiệt điện đốt than có 15/20 nhà máy và tỷ lệ nội địa hóa gần như bằng 0. Hai dự án khoáng sản cũng chỉ có tỷ lệ nội địa hóa 2%. Các dự án luyện kim, giao thông... cũng trong điều kiện tương tự.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước cũng không chủ động được nguồn nguyên liệu và Trung Quốc do lợi thế về địa lý và giá cả, sẽ trở thành nguồn cung cho các doanh nghiệp.
Ví dụ ngành dệt may, năm 2014 nhập khẩu tới 15 tỷ USD, trong đó có nhiều nguyên liệu như bông (2,8 tỷ USD), sợi 5,4 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, ngành này chỉ chủ động được 50% nguyên liệu còn hầu hết nhập từ Trung Quốc.
Việt Nam cần phải làm gi?
Theo các chuyên gia, trong những năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong ASEAN.
Mặc dù Mỹ vẫn là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào năm 2013, nhưng các chuyên gia của HSBC dự đoán, Trung Quốc sẽ thay thế vị trí của Mỹ để trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào năm 2030.
Tuy nhiên, kinh tế thương mại giữa hai nước mất cân bằng trong thời gian dài. Trong đó, thâm hụt thương mại của Việt Nam không ngừng mở rộng. Vì vậy, yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc để giảm bớt thâm hụt thương mại là rất quan trọng.
Theo GS, TS. Võ Tòng Xuân, dù Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng người tiêu dùng vẫn phải tìm mua hàng nhập vừa rẻ hơn, vừa dùng bền hơn. Đây là một lỗ hổng lớn của nền kinh tế Việt Nam, hậu quả của chủ trương chính sách không nhất quán, đầu tư tràn lan không theo cấp ưu tiên quan trọng.
Và, đó cũng là hậu quả của nền giáo dục “xí xóa” không nền tảng chất lượng cơ bản, chạy theo bằng cấp và chỉ tiêu thành tích ảo, chưa đào tạo được nguồn nhân lực thật sự tài giỏi để thực hiện các đầu tư mũi nhọn công nghiệp.
Do đó, “về lâu dài, chúng ta không nên quá tham vọng phải tự chủ hoàn toàn, mà chỉ nên tự chủ phần Việt Nam có lợi thế. Nhà nước cần xác định những lợi thế đó để có quyết sách đúng khắc phục những hậu quả về định hướng tập trung đầu tư vào những mũi nhọn cơ bản của công nghiệp và hậu quả của hệ thống giáo dục “xí xóa” của Việt Nam”, vị chuyên gia này tâm huyết.
Ở một góc độ khác, GS, TS. Ngô Thắng Lợi (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) lại cho rằng, để thoát khỏi quỹ đạo sử dụng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tự do thương mại quốc tế nhằm, thông qua các hiệp định, như: Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EU, TPP.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất tại Việt Nam cần cố gắng nội địa hóa nguyên liệu đầu vào để tăng cường quản lý chuỗi cung ứng của mình và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc. Cần nghiên cứu phát triển sản xuất trong nước, tập trung vào mặt hàng Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được.
“Trong chiến lược nội địa hóa, do năng lực sản xuất nội địa còn yếu, chúng ta phải đa dạng hóa các nhà đầu tư nước ngoài, như: Nhật Bản, Hàn Quốc… cùng với họ phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, hạn chế nhập siêu”, GS, TS. Ngô Thắng Lợi nhấn mạnh./.
Bình luận