Giải ngân chậm – “Căn bệnh trầm kha” tiếp tục cần được tháo gỡ
Ngày 26/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019/ Ảnh: MPI
Có nơi giải ngân được trên 70%, có chỗ lại chưa được tới 30%
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136,038 tỷ đồng.
Con số trên bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số liệu này cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Cùng kỳ năm 2018 đạt 50,93% kế hoạch Quốc hội giao và 52,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ và ODA đều đạt thấp. Vốn trái phiếu chính phủ là 9.349,585 tỷ đồng, đạt 23,37% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 26,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Vốn ngoài nước là 10.543,082 tỷ đồng; đạt 18,8% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 23,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2018 đạt 27,28% kế hoạch Quốc hội giao và 29,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Điều đáng lưu ý là có sự phân hóa giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện giải ngân đầu tư công.
Cụ thể, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có 07 bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, gồm: Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, Tập đoàn điện lực, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội, Hội nhà văn, Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Phước.
Trong đó, 04 bộ, ngành và 04 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% là: Tập đoàn điện lực, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Hội Nhà văn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình.
Tuy nhiên, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, có 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%.
Đặc biệt, còn tới 17 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30% là: Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban dân tộc, Thanh tra Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội nhà báo, Hội chữ thập đỏ, Đồng Nai.
Điều đáng lưu ý là, đến nay, có 4 cơ quan trung ương, và 30 địa phương vẫn chưa làm thủ tục giải ngân với Bộ Tài chính; 8 cơ quan trung ương và 31 địa phương đã làm thủ tục giải ngân trong 8 tháng đầu năm.
Trong đó, các cơ quan có tỷ lệ giải ngân thấp như: Bộ Giáo dục và Đào tạo (5,8%), Bộ Y tế (4,8%), tỉnh Quảng Ninh (0,5%), tỉnh Hưng Yên (8,3%), tỉnh Quảng Nam (2,3%).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra các nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công chậm/ Ảnh: MPI
Vẫn là “căn bệnh trầm kha” từ mấy năm trước
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ “căn bệnh trầm kha” chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đã tồn tại từ những năm trước. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn rất chậm, chậm hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Nguyên nhân được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra, các dự án mới hiện vẫn đang thực hiện các bước chuẩn bị, như: công tác lập, thẩm định, dự toán xây dựng công trình, lựa chọn nhà đầu tư… Đây là các bước cũng cần vốn, nhưng không nhiều, mà vốn chủ yếu cần tập trung vào giai đoạn thi công xây lắp. Bên cạnh đó, việc đề xuất nhu cầu vốn đầu tư chưa sát với khả năng giải ngân.
Nhấn mạnh thêm một số nguyên nhân giải ngân vấn đầu tư công chậm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, trước hết là bất cập do công tác giao vốn, việc lập kế hoạch sử dụng vốn đầu tư công mới chỉ dựa vào tổng mức đầu tư của dự án, tức là giao một “cục” nhưng chưa dựa vào kế hoạch sử dụng vốn của một dự án. Nếu phân theo năm, thì các địa phương rất khó thực hiện.
Về cơ chế chính sách, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ rõ, do hiện nay có rất nhiều luật điều chỉnh lĩnh vực đầu tư, nên ảnh hưởng đến thủ tục liên quan đến thẩm định, phê duyệt, thanh quyết toán… Đặc biệt,
Luật Đầu tư công (sửa đổi) mới tách phần chuẩn bị đầu tư ra một gói vốn riêng chứ chưa tách phần giải phóng mặt bằng, mới chỉ có dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia được tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng. Về chủ quan, các chủ đầu tư chưa chủ động để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án… Riêng vốn ODA, ngoài các nguyên nhân trên còn liên quan đến vốn đối ứng, đây là nguồn vốn rất quan trọng để hấp thụ vốn ODA.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra 5 nhóm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thứ nhất là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng để khắc phục những bất cập.
Thứ hai, đổi mới công tác giao vốn đầu tư công, trước hết việc giao vốn đầu tư công phải gắn với kế hoạch thực hiện của từng giai đoạn của dự án, để từ đó phân bổ vốn đầu tư trong một năm hay nhiều năm đối với một dự án.
Thứ ba, cần xây dựng cơ chế đặc thù để tách dự án giải phóng mặt bằng thành một dự án thành phần với những dự án có vốn đầu tư lớn hoặc những dự án quan trọng.
Thứ tư, các bộ ngành địa phương cần chủ động để làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, vì trong Luật đầu tư công (sửa đổi) đã tách phần này ra thành nguồn vốn riêng. Vấn đề này phải làm sớm chứ không phải đợi có kế hoạch mới làm, sau khi có kế hoạch thì thực hiện sẽ giải quyết được thời gian và bố trí nguồn vốn hợp lý hơn.
Thứ năm, thực hiện nghiêm việc tổ chức các ban quản lý dự án chuyên ngành và xây dựng, vì việc tổ chức, nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy được tổng hợp từ kinh nghiệm các nhiều bộ, ngành và các nước giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, góp phần nâng cao tiến độ, chất lượng đầu tư công.
Đánh giá ở góc độ năng lực hấp thu vốn của nền kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, dù được cải thiện rất nhiều, những năng lực này còn hạn chế, có nơi còn yếu kém.
Lý giải tại sao có tình trạng tỷ lệ giải ngân giảm dần đều, Phó Thủ tướng cho biết, năm 2017 phân vốn cho công trình dở dang nên rất nhanh, còn từ 2018 đến nay hầu hết là dự án mới, nên vốn giải ngân thấp.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đề xuất, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết số 70, Chỉ thị số 09, đặc biệt là Công điện số 1042, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân công rõ ràng hơn.
Đồng thời đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành các Nghị định hướng dẫn Luật đầu tư công (sửa đổi) và tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành hồ sơ để sớm giao số vốn còn lại. Đồng thời, rà soát để báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm có giải pháp chuyển giao vốn ở những dự án không có khả năng giải ngân để điều chuyển cho các dự án khác, đơn vị khác theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ sớm có hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn đầu tư công năm 2020 theo Chỉ thị 20. Cùng với đó, triển khai ngay phương án phân bổ vốn năm 2020, để trình Quốc hội.
Về cơ chế chính sách, Phó Thủ tướng lưu ý, để chuẩn bị tốt cho năm 2020 và sau năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành 6 nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công sửa đổi vừa đươc ban hành, để ngày 01/01/2020, Luật có hiệu lực.
Phó Thủ tướng cũng ủng hộ ý tưởng của Thủ tướng về việc thành lập các tổ đặc nhiệm, tổ công tác thường xuyên tại địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác giải ngân.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành 6 nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công sửa đổi/ Ảnh: MPI
"Căn bệnh trầm kha" cần tiếp tục được tháo gỡ
Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, phát biểu kết luận, Thủ tướng bày tỏ hy vọng, từ Hội nghị này sẽ có một nghị quyết tốt của Chính phủ để thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công, một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển đất nước.
Lên án sự chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, Thủ tướng cũng chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vì có nhiều quy định chồng chéo. Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ thì cần quan tâm chất lượng công trình, dự án.
Nhấn mạnh giải ngân thấp là “căn bệnh trầm kha” cần tiếp tục tháo gỡ, Thủ tướng cho rằng, có nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, nhất là khâu điều hành dự án, trách nhiệm của cơ quan chủ đầu tư. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tập trung chỉ đạo công tác này. Cùng với đó là tình trạng không sát sao chỉ đạo, không trực tiếp tháo gỡ, chưa phân cấp, giao quyền, bệnh nhũng nhiễu, gây khó ở một số cấp, một số ngành, một số cơ quan.
Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về căn bệnh này, khi xem xét thi đua khen thưởng, đề bạt cán bộ thì xem xét nhiệm vụ đầu tư xây dựng mà cán bộ đó từng phụ trách có chậm trễ, gây thất thoát hay không.
Thủ tướng nêu rõ, Hội nghị đã thống nhất cao với quan điểm chỉ đạo là tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cấp bách của các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị liên quan từ nay đến cuối năm 2019 và trong năm 2020, năm cuối kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Vốn thiếu và ít, nên phải được giải ngân hiệu quả, kịp thời.
Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương nhận thức sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo này.
“Phải kỷ luật kịp thời nghiêm minh đối với những vi phạm, tình trạng làm chậm, kém hiệu quả, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không biết làm việc, hoặc cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ được giao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ rõ vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh, các Bộ trưởng, trưởng ngành, các đơn vị phục vụ đầu tư xây dựng cơ bản chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nỗ lực phấn đấu tối đa để giải ngân hết số vốn kế hoạch theo đúng tinh thần Nghị quyết 01 đã đề ra.
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị
Đối với những bộ, ngành, địa phương có số vốn đầu tư công lớn như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo thực hiện đồng bộ quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những dự án trọng điểm cấp bách.
“Tôi đã chỉ đạo rất cụ thể để đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm như cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị…, yêu cầu các Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương tập trung thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để kéo dài, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình phục vụ nhân dân”, Thủ tướng nói và nêu trường hợp dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã có khoản vốn trên 11.000 tỷ đồng chuyển về tài khoản, nhưng đến nay “các đồng chí vẫn nói để tháng 10 sang năm mới làm”. Thủ tướng đề nghị tỉnh Đồng Nai rút kinh nghiệm.
Hay dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn, thì cho chạy tàu, còn một số tồn tại thì sẽ kiểm điểm sau theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương rất quan trọng, kiên quyết không để tái diễn tình trạng "quyền anh, quyền tôi", đổ lỗi cho nhau như vừa qua, vì lợi ích của bộ, ngành, địa phương mình mà không hợp tác.
Thủ tướng lưu ý hợp tác tốt hơn nữa giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, giữa Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc trong triển khai dự án đầu tư công thuộc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Thủ tướng tin rằng các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ngồi lại với nhau trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng, tất cả vì lợi ích chung thì nhất định có phương án tốt, đồng thuận cao, hiệu quả để trình Thủ tướng Chính phủ, không để tình rạng “công không ra công, tư không ra tư” kéo dài như một số công trình vừa qua.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng về phương án xử lý để giao hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 còn lại trước ngày 5/10/2019. Báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/10/2019 việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 từ các dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu giải ngân thêm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
“Tôi được biết các bộ như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế báo cáo khả năng không sử dụng hết kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 với số tiền lên đến 60.000-70.000 tỷ đồng, trong khi đó rất nhiều dự án ở các bộ, ngành khác đang cần vốn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng điều chỉnh”, Thủ tướng phát biểu và nhấn mạnh tinh thần “tiêu không hết là điều chỉnh vốn”.
Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 giữa các dự án trong nội bộ ngành, lĩnh vực, chương trình theo đề xuất của bộ, ngành và địa phương phải được thực hiện trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất.
Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc./.
Bình luận