Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dự báo CPI tháng 10/2024 tăng 0,3%
9 tháng năm 2024, CPI bình quân tăng 3,88%
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sau 9 tháng năm 2024, việc kiểm soát lạm phát đạt được kết quả khá tích cực khi CPI bình quân mới tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước, dưới mức mục tiêu kiểm soát lạm phát trong khoảng 4%-4,5%. Tuy nhiên, những yếu tố bất định về địa chính trị và kinh tế trên thế giới có thể sẽ các tác động tiêu cực đến tăng trưởng, cũng như chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), kinh tế thế giới hiện đã có nhiều diễn biến tích cực khi cả hai nền kinh tế đầu tầu là Mỹ và Trung Quốc đều có những chính sách mang tính bước ngoặt, quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nới lỏng chính sách tiền tệ cùng nhiều chính sách hỗ trợ bất động sản nhằm vực dậy nền kinh tế.
Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã cắt giảm lãi suất khá mạnh sau 4 năm. Trên thị trường hàng hóa, giá hầu hết các mặt hàng nguyên, nhiên liệu cơ bản vẫn giữ ổn định nhờ nguồn cung ngày càng được cải thiện.
Đối với nhóm nhiên liệu, giá dầu Brent có thể sẽ tiếp tục duy trì mức trên dưới 70 USD/thùng, bởi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung, cộng với tăng trưởng kinh tế của Mỹ tiếp tục khởi sắc. Tuy nhiên, giá dầu sẽ bị chi phối giảm bởi lực cản tăng trưởng nhu cầu dầu trong trung hạn vẫn khá yếu. Việc Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra gói kích thích kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất kể từ sau đại dịch Covid-19 có thể sẽ vực giá dầu tăng lên.
Còn đối với nhóm kim loại: Kéo dài đà giảm từ nhiều tháng trước, giá sắt thép xây dựng liên tục lao dốc và đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về dài hạn, giá thép và nguyên liệu sẽ được hỗ trợ khi Chính phủ Trung Quốc áp dụng thêm các biện pháp kích thích nền kinh tế như: mở rộng nhu cầu trong nước, tập trung nhiều hơn vào tiêu dùng.
Trái ngược với kim loại sắt thép, việc Fed bắt đầu chính sách cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm đã khiến giá vàng phá vỡ mọi kỷ lục, có lúc vượt mức 2.700 USD/oz, so với cùng kỳ năm ngoái giá vàng đã tăng gần 35%.
Giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi dự báo Fed sẽ cắt giảm thêm nhiều đợt lãi suất kéo dài đến năm 2026, do tăng trưởng việc làm vững chắc và sự mở rộng kinh tế của Mỹ cộng với các yếu tố như bất ổn địa chính trị gia tăng và lực mua vàng từ các ngân hàng trung ương.
Trong khi đó, đối với nhóm nông sản, thì sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc khiến các hộ gia đình cắt giảm lượng thịt tiêu thụ và hạn chế đi ăn nhà hàng, từ đó giảm lượng nguyên liệu cần thiết để chăn nuôi gia súc và chế biến thức ăn. Tồn kho ngũ cốc của nước này tăng cao, từ đó gây áp lực trên thị trường toàn cầu.
Tình hình này sẽ không sớm thay đổi, bởi tình hình dân số già hóa và nền kinh tế suy yếu báo hiệu một triển vọng kém sáng sủa.
Trong khi đó, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại đánh giá, ở thị trường trong nước, trong tháng 9/2024, cơn bão số 3 đã ảnh hưởng nặng nề, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và hệ thống giao thông tại một số tỉnh phía Bắc, dẫn đến một số thời điểm đã xuất hiện tình trạng khan hiếm cục bộ lương thực, rau củ quả, khiến giá tăng tại một số tỉnh.
Một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình; giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 đã tăng 0,29% so với tháng trước.
Dù chịu ảnh hưởng từ cơn bão Yagi, nhưng nguồn cung hàng hoá về cơ bản vẫn được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân |
Sau 9 tháng năm 2024, việc kiểm soát lạm phát đạt được kết quả khá tích cực khi CPI bình quân mới tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước, dưới mức mục tiêu kiểm soát lạm phát trong khoảng 4%-4,5%.
Dự báo, CPI tháng 10/2024 có thể tăng khoảng 0,3%
“Tuy nhiên, những yếu tố bất định về địa chính trị và kinh tế trên thế giới có thể sẽ các tác động tiêu cực đến tăng trưởng, cũng như chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm”, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại đánh giá.
Hiện nhiều địa phương đã nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, cộng với việc các cơ quan quản lý đảm bảo chặt chẽ kết nối cung - cầu hàng hóa sẽ là yếu tố làm giảm tác động đến việc tăng giá hàng hóa, cũng như chỉ số giá tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có phương án điều hành phù hợp đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường để tránh tác động cộng hưởng lên CPI.
Ngoài ra, các yếu tố thuận lợi từ thị trường ngoài nước như: giá xăng dầu, sắt thép và nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm, Fed giảm lãi suất cơ bản, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái, sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng vẫn có thể đảm bảo được mục tiêu mà Quốc hội đã đặt ra.
Trên cơ sở tổng hợp, phân tích các yếu tố tác động, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dự báo CPI tháng 10/2024 có thể tăng khoảng 0,3% so với tháng trước.
Hồi cuối tháng 8/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoàn thành cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát đối với các chuyên gia kinh tế. Kết quả cho thấy, bình quân lạm phát năm 2024 dự báo có thể đạt khoảng 4%. Trong khi đó, bình quân lạm phát năm 2025 dự báo là 3,87% và năm 2026 sẽ là 3,83%. Theo kết quả này, lạm phát sẽ có xu hướng giảm dần trong hơn 2 năm tới, từ năm 2024 đến năm 2026.
Trong khi đó, tại hội thảo: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024”, do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức gần đây, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính Nguyễn Đức Độ cho rằng, trung bình cả năm 2024, về tổng thể, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4% (+/- 0,2%)./.
Bình luận