Lạm phát 9 tháng đầu năm 2024 trong tầm kiểm soát
Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý III/2024 tăng 3,48% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%. Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) về diễn biến lạm phát 9 tháng qua và dự báo khả năng hiện thực hóa mục tiêu của Quốc hội đặt ra.
Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) |
Giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu tác động làm tăng CPI
PV: Mặc dù bão Yagi khiến giá một số loại lương thực, thực phẩm tăng, đặc biệt là một số loại rau củ, tuy nhiên, theo số liệu vừa được công bố của Tổng cục Thống kê, thì hình như tác động của cơn bão đến lạm phát không quá nhiều. Xin bà cho biết tổng quan chung về tình hình lạm phát cả nước tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã làm cho tại một số nơi, một số thời điểm xuất hiện hiện tượng khan hiếm hàng hóa như rau, củ quả, thực phẩm, nước uống dẫn đến tăng giá cục bộ, khiến cho chỉ số giá tiêu dùng của một số địa phương tăng khá cao so với tháng trước, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng…
Để bù đắp nguồn cung hàng hóa bị thiếu hụt do ảnh hưởng của bão số 3, các doanh nghiệp đã tăng cường nhập hàng từ phía Nam, Đà Lạt nhằm giữ giá cả cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có các Công điện chỉ đạo khẩn trương cung ứng hàng hóa, khắc phục hậu quả của bão số 3, nên hầu như không thiếu hàng hay tăng giá bất hợp lý. Nhờ đó, hoạt động thương mại của các địa phương bị ảnh hưởng của bão đã sớm trở lại bình thường và giá cả hàng hóa có xu hướng trở về mức trước bão.
Tính chung cả nước, như Tổng cục Thống kê đã công bố, tháng 9/2024, thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,29% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,33%; khu vực nông thôn tăng 0,23%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm hàng giảm giá.
Nhóm giáo dục tháng Chín tăng 2,09%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 2,33% do một số địa phương điều chỉnh học phí áp dụng cho năm học 2024-2025 ở một số trường dân lập, tư thục các cấp và các trường đào tạo nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học để đảm bảo thu chi thường xuyên; giá sản phẩm từ giấy tăng 0,61%; giá bút viết tăng 0,4%; giá văn phòng phẩm, đồ dùng học tập khác tăng 0,35% do nhu cầu các mặt hàng đồ dùng học tập đầu năm học tăng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 9/2024 tăng 0,92%, tác động làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm, trong đó, nhóm lương thực tăng 0,77% (giá gạo tăng 0,76%) và nhóm thực phẩm tăng 1,06% do nhu cầu tăng cao vào dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 cùng với ảnh hưởng của bão số 3, số 4 và hoàn lưu bão gây mưa lũ, ngập lụt diện rộng, làm đứt gãy giao thông vận chuyển hàng hóa tại một số địa bàn khiến giá thực phẩm tăng cục bộ.
Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,65%, chủ yếu do giá nguyên liệu chế biến ở mức cao và nhu cầu du lịch trong tháng tăng vào dịp nghỉ Lễ.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,52% do giá thuê nhà tăng 0,42% khi nhu cầu thuê nhà tại một số địa phương tăng...
Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,15%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,09%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%.
Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông tháng 9/2024 giảm 2,77% so với tháng trước, góp phần làm giảm CPI chung 0,27 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,24% do các công ty du lịch thực hiện các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu.
Tính chung 9 tháng đầu năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do:
- Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 14,23%, tác động làm CPI tăng 0,52 điểm phần trăm; nhóm thực phẩm tăng 2,31%, làm CPI chung tăng 0,49 điểm phần trăm; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 4,03% do nhu cầu tiêu dùng và chi phí nhân công tăng.
- Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,33%, tác động làm CPI chung tăng 1 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,61%, tác động làm CPI tăng 0,48 điểm phần trăm; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 8,08% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân trong năm 2023 làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt bình quân 9 tháng tăng 9,42% so với cùng kỳ năm trước.
- Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,51% do trong năm học 2023-2024 và 2024-2025 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm.
- Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,46%, tác động làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
- Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm, chủ yếu do giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 46,67%; bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 4,3%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông 9 tháng năm 2024 giảm 1,19% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.
Cùng với CPI, lạm phát cơ bản tháng 9/2024 cũng tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,88%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Dư địa để đạt được mức lạm phát cả năm nay theo mục tiêu đề ra còn khá nhiều
PV: Thưa bà, mức lạm phát bình quân 9 tháng đầu năm nay cho thấy, khả năng lạm phát cả năm sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra. Theo bà, nguyên nhân nào đã giúp cho Việt Nam kiểm soát được lạm phát trong 9 tháng?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Nguyên nhân chính đã giúp cho Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát trong 9 tháng qua như sau:
Thứ nhất, sự hạ nhiệt của lạm phát thế giới đã tác động tới lạm phát của Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ lạm phát của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu tháng 9/2024 chỉ tăng 1,8%, thấp nhất trong ba năm rưỡi và dưới mức mục tiêu 2% của ECB. Trong tháng 8/2024, lạm phát của Mỹ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; Tây Ban Nha tăng 2,3%; Đức tăng 1,9%; Pháp tăng 1,8%. Tại châu Á, lạm phát tháng 8/2024 của Ấn Độ tăng 3,7%; Philippines tăng 3,3%; Nhật Bản tăng 3%; Indonesia tăng 2,1% và Hàn Quốc tăng 2%. Lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, CPI tháng 9/2024 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát thế giới hạ nhiệt đã giúp cho Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa bình quân 9 tháng đầu năm giảm 1,73% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt phải kể đến mặt hàng xăng dầu, là một trong những mặt hàng chiếm tỷ trọng không nhỏ trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam, trong khi giá mặt hàng này lại phụ thuộc chủ yếu vào giá của thế giới. Do đó, giá dầu thế giới giảm làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước quý III/2024 giảm 7,72% so với cùng kỳ năm trước đã tác động làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm.
Thứ hai, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như: Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân. Chú trọng tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong thời điểm thiên tai, bão lũ, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp được Chính phủ tiếp tục thực hiện như chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm 2% thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm mức thu đối với 36 khoản phí, lệ phí để hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2024.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả cũng góp phần kiểm soát lạm phát.
PV: Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội đã thông qua mục tiêu lạm phát năm 2024 ở mức từ 4 - 4,5%. Xin bà cho biết những yếu tố cần tiếp tục được quan tâm để kiểm soát lạm phát trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Thu Oanh: Mặc dù lạm phát 9 tháng đầu năm ở mức 3,88%, dư địa để đạt được mức lạm phát cả năm nay theo mục tiêu Quốc hội đề ra còn khá nhiều. Tuy nhiên, nếu chỉ số tiêu dùng những tháng cuối năm liên tục tăng cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng lớn và tạo áp lực điều hành lạm phát cho năm 2025. Do đó, theo chúng tôi để có thể kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm cần quân tâm tới một số yếu tố như sau:
Thứ nhất, giá cả hàng hóa trong nước của chúng ta phụ thuộc khá nhiều vào thị trường quốc tế, trong khi tình hình chính trị thế giới hiện nay rất phức tạp và khó lường, có khả năng việc đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ ngày càng nặng nề. Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới mặc dù đã giảm trong thời gian vừa qua nhưng vẫn đang ở mức cao, hiện nay giá dầu cũng đang theo xu hướng tăng nhanh trở lại. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Do đó, cần phải theo dõi sát biến diễn thế giới để có những giải pháp phù hợp cho trong nước.
Thứ hai, nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi sau đại dịch, do đó chúng tôi dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, điều này cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát. Theo tính toán của TCTK, chỉ số giá điện cứ tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm.
Thứ ba, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện sẽ tác động làm tăng CPI. Do đó cần thận trọng về thời điểm cũng như mức độ điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý cho phù hợp.
Thứ tư, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì chúng ta thực hiện các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công, điều này cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát một cách hợp lý.
Thứ năm, những rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi có thể tác động làm tăng giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương.
Thứ sáu, theo quy luật tiêu dùng, vào các tháng cuối năm và dịp Lễ, Tết, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI.
Cám ơn bà về cuộc trao đổi này!
Bình luận