“Từ giám sát trực tiếp và báo cáo của các Bộ, ngành, các địa phương, Đoàn giám sát nhận thấy các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc mục đích, yêu cầu của giám sát chuyên đề này…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, khi Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” làm việc với Chính phủ trong chiều nay (ngày 5/9), theo Văn phòng Quốc hội.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, trách nhiệm giải quyết, trả lời đơn kiến nghị, phản ánh chưa được quy định cụ thể (ảnh: QH)

Cũng theo ông Phương, thực hiện Nghị quyết số 289/NQ-UBTVQH15 ngày 6/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Đoàn giám sát về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” đã thực hiện giám sát trực tiếp với 8 Bộ, ngành và 6 địa phương. Các đoàn công tác đã có báo cáo đầy đủ và cụ thể gửi tới Đoàn giám sát, làm cơ sở cho cuộc làm việc với Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, thực tế giám sát cho thấy, một số Bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, tạo chuyển biến tích cực ngay trong quá trình giám sát.

Trên cơ sở ý kiến các thành viên Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cho ý kiến về báo cáo toàn văn, báo cáo tóm tắt và dự thảo Nghị quyết của chuyên đề giám sát, đặc biệt là về những kiến nghị cụ thể của Đoàn đối với từng nội dung giám sát.

“Tuy nhiên, qua giám sát, một số vấn đề, tồn tại, hạn chế nổi lên như: chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành; nội dung văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính thống nhất với văn bản pháp luật liên quan, chưa sát với thực tiễn tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quy định về tiếp công dân còn bất cập, chưa thực sự được quan tâm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao...”, ông Phương cho hay.

Trưởng đoàn Giám sát cho biết thêm, trong thực tế giải quyết khiếu nại tố cáo, hệ thống pháp luật có một số điểm thiếu đồng bộ; chưa cụ thể, rõ ràng; còn chồng chéo, mâu thuẫn. Công tác phối hợp, thẩm tra, xác minh trong quá trình giải quyết vụ việc vẫn còn bất cập. Việc giải quyết các vụ án hành chính tại cơ quan tòa án, trong lĩnh vực tư pháp còn nhiều vướng mắc, bất cập. Việc thực hiện rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài chưa thật sự chủ động, chất lượng rà soát, giải quyết chưa cao, chưa giải quyết triệt để một số vụ việc cụ thể. Ở một số cơ quan, địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chính phủ đã quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến khiếu nại, khiếu kiện (ảnh: QH)

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ thực hiện báo cáo về nội dung này, tập hợp các báo cáo của các Bộ, ngành về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ngày 8/3/2022, Chính phủ đã có Báo cáo số 62 gửi Đoàn giám sát, giải trình, làm rõ một số nội dung Đoàn giám sát quan tâm.

“Thời gian qua, Chính phủ thường xuyên có các báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Thực hiện Kết luận của UBTVQH, từ năm 2021, hàng tháng Chính phủ đều chỉ đạo Thanh tra Chính phủ cung cấp thông tin về tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, để Ban Dân nguyện tổng hợp báo cáo; yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố liên quan xem xét, giải quyết, đặc biệt đối với các vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài. Chính phủ đã quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến khiếu nại, khiếu kiện, những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân, thường xuyên giao Thanh tra Chính phủ giám sát vấn đề này…”, Phó Thủ tướng cho biết./.