“Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế….”, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, khi trình bày trước Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Giải quyết kiến nghị của cử tri, chưa thể hiện rõ trách nhiệm người đứng đầu
Quốc hội nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quốc hội

Đề cập cụ thể những hạn chế, ông Bình chỉ rõ, đó là việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, một số bộ, ngành Trung ương chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị. Mặc dù nhiều bộ trưởng, trưởng ngành hết sức quan tâm, trực tiếp xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri nhưng vẫn còn một số nơi, các kiến nghị cử tri được giao cho cấp phó ký văn bản giải quyết, trả lời, chưa thể hiện rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu như: Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông Vận tải.

Theo Trưởng Ban Dân nguyện, việc phối hợp giữa một số bộ còn chưa chặt chẽ trong công tác tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nên còn có quy định không thống nhất, chưa đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng. Một số kiến nghị chưa được giải quyết do chậm xây dựng, trình ban hành văn bản hướng dẫn…

Một hạn chế nữa được Trưởng ban Dân nguyện đề cập là một số kiến nghị cử tri phản ánh những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải điều chỉnh kịp thời, mặc dù đã được bộ trả lời tiếp thu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Cụ thể như, từ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đến nay, cử tri nhiều địa phương đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản quy định. Trả lời cử tri, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu rõ trong quý IV/2020 sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, đến nay, Nghị định vẫn chưa được ban hành. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời sẽ xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi Nghị định trên vào quý IV/2021.

Qua giám sát cho thấy, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP được ban hành đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong phát triển thủy sản, từng bước ổn định và nâng cao đời sống cho ngư dân. Tuy nhiên, các quy định tại văn bản này chưa có tính ổn định lâu dài, nên đã phải sửa đổi, bổ sung 3 lần trong vòng 4 năm. Đến nay, việc triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế như: cơ sở hạ tầng nghề cá xuống cấp, quá tải, thiếu cơ sở hạ tầng nghề cá hiện đại; việc tiếp cận nguồn vốn vay còn khó khăn; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu ở mức cao; một số chính sách ưu đãi để khuyến khích, thu hút ngư dân, doanh nghiệp đầu tư, đóng mới tàu khai thác dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại, khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… cần được tiếp tục quy định cụ thể. Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, đảm bảo tính ổn định, hiệu quả khi triển khai thực hiện, tránh việc phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong thời gian ngắn.

Giải quyết kiến nghị của cử tri, chưa thể hiện rõ trách nhiệm người đứng đầu
Để khắc phục những hạn chế trong giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, theo Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Quốc hội

Để khắc phục những tồn tại trên, ông Bình cho biết, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần nâng cao chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị của cử tri, kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương giải quyết những hạn chế; rà soát, giải quyết các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình. Cũng cần nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật; chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật…/.