Giải quyết những thách thức của ngành thủy sản trong phát triển kinh tế biển, đảo
Những thách thức đặt ra
(i) Mất cân đối giữa năng lực khai thác và trữ lượng nguồn lợi thủy, hải sản, bảo vệ môi trường biển, đảo. Trữ lượng hải sản trong lòng biển nước ta đang suy giảm nghiêm trọng. Theo công bố của Viện Nghiên cứu Hải sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng trữ lượng hải sản cả nước từ năm 2011 đến hết năm 2013 chỉ còn 4,25 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn so với cách đây 10 năm. Với trữ lượng hiện có, trên cơ sở tính toán khả năng sinh sản và sinh trưởng của hải sản, các chuyên gia cho rằng, mỗi năm cả nước chỉ nên khai thác 1,7-1,9 triệu tấn là phù hợp, đảm bảo cho nguồn lợi được tái tạo. Thế nhưng trên thực tế, sản lượng đánh bắt hàng năm đã trên 2,5 triệu tấn, đã vượt rất nhiều so với sản lượng cho phép.
Nguồn lợi thủy, hải sản ven bờ còn bị khai thác vượt quá giới hạn, bởi mật độ tàu thuyền tập trung quá dày đặc. Ngư trường khai thác giữa các nhóm nghề và tàu thuyền của các địa phương luôn xảy ra tranh chấp. Những năm gần đây, số tàu thuyền đã tăng lên khá nhanh, tạo nên áp lực khai thác quá mức đối với nguồn lợi ven bờ.
Số lao động nghề cá tăng liên tục trong những năm gần đây, từ khoảng 270.000 người năm 1990 lên khoảng 540.000 người năm 2000, hiện nay xấp xỉ gần 1 triệu người. Việc tổ chức khai thác mang tính tự phát cũng là một yếu tố làm gia tăng áp lực khai thác lên nguồn lợi vốn có hạn.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm ngư của nước ta vẫn còn mỏng, công cụ và phương tiện kiểm ngư hạn chế, nên việc kiểm soát các khu vực cấm khai thác hay các nghề khai thác bất hợp pháp chưa đáp ứng được yêu cầu. Đáng báo động là, nhiều ngư dân sử dụng những hình thức khai thác huỷ diệt, như: chất nổ, chất độc, xung điện, lưới mắt nhỏ; hoặc các nghề có hại, như: te đẩy, lưới đăng, đáy, giã cào điện khiến cá lớn, cá bé và nhiều loài thủy sinh đều có thể bị tận diệt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm trầm trọng môi trường biển, đe dọa lâu dài đến khả năng phục hồi các loài thủy, hải sản.
Không những vậy, nhiều vùng trong cả nước (nhất là khu vực miền Trung) nhân dân còn tự do khai thác san hô với quy mô lớn để bán, thậm chí nung vôi, phá hủy nơi sinh cư của nhiều loài thủy, hải sản.
(ii) Thiếu đồng bộ giữa hệ thống đánh bắt, khai thác hải sản biển với công tác hậu cần nghề biển
Thực tế ở nước ta đang tồn tại một hạn chế lớn là kỹ thuật khai thác, vận chuyển, chế biến còn yếu kém và chưa đồng bộ. Việc bảo quản sau thu hoạch còn nhiều bất cập, các khoang, thùng chứa nguyên liệu thường có kết cấu không hợp lý, cách nhiệt kém; công tác vệ sinh, khử trùng các khoang chứa nguyên liệu này chưa được quan tâm đúng mức; đá dùng cho bảo quản còn chưa đảm bảo chất lượng. Những điều này dẫn đến hạn chế về chất lượng sản phẩm lên bến và doanh thu của người đi khai thác. Theo số liệu từ Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản hiện nay tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản là rất cao, ở mức trên 20%, mà nguyên nhân quan trọng là khả năng giữ nhiệt của tàu khai thác, tàu dịch vụ hải sản kém. Theo tính toán của Cục này, nếu giảm được tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%, thì chưa cần tăng sản lượng, hiệu quả từ khai thác hải sản cũng tăng lên rất nhiều, chưa nói tới tác dụng bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản cho phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng phục vụ nghề cá còn nhiều yếu kém, nên các dịch vụ nghề cá cũng còn hạn chế. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện cả nước chỉ mới có 10/60 bến cá (là nơi neo đậu của tàu thuyền khai thác hải sản ven bờ) đã được đầu tư xây dựng cầu cảng và kè bờ với tổng chiều dài gần 12.000 m... Hầu hết các cảng cá không có dịch vụ bốc dỡ sản phẩm, chủ yếu bốc dỡ thủ công, nên chất lượng sản phẩm bị giảm sút. Cả nước chỉ có khoảng 700 kho lạnh sản phẩm thủy, hải sản, tổng cộng sức chứa trên 8.000 tấn và 14 kho thuê với sức chứa 46.000 tấn, chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu (Ngọc Quỳnh, 2014).
(iii) Sản lượng khai thác lớn, nhưng chưa có mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ hiệu quả cao. Mặc dù với sản lượng khai thác lớn, nhưng đến nay nước ta vẫn chưa có các mô hình sản xuất thủy, hải sản đạt hiệu quả cao, nhất là các loại hải sản, như: cá ngừ, các loại giáp sát, nhiễm thể... Việc tổ chức thu mua nguyên liệu chủ yếu vẫn tự phát, chưa có cơ quan, tổ chức nào điều hành, quản lý. Tình trạng thu mua xô, ép giá gây bất lợi lớn cho ngư dân vẫn diễn ra khá phổ biến, do thương lái, doanh nghiệp chỉ tập trung vào lợi nhuận, chưa chú ý đến nhu cầu của thị trường đối với chất lượng sản phẩm. Hiện cả nước có 81 chợ cá được xây dựng ngay tại các cảng cá, bến cá là nơi mua bán sản phẩm đánh bắt chủ yếu, song cũng chưa được đầu tư đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Việt Nam cần có những giải pháp vượt qua các thách thức để khai thác hiệu quả nguồn lực biển, đảo
Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác hiệu quả nguồn lực biển, đảo
Đảng, Nhà nước, cũng như các cấp, ngành, địa phương cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, cần giải quyết cả ba vấn đề: ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường, nhất là các vấn đề búc xúc về: vốn, phương tiện sản xuất, đào tạo nghề, tổ chức sản xuất, dịch vụ hậu cần nghề cá, tiêu thụ sản phẩm, các chính sách an sinh xã hội... Giải quyết tốt các vấn đề trên sẽ là cơ sở cho mục tiêu phát triển nghề cá theo hướng bền vững; lấy hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân, làm cho nghề khai thác hải sản trở thành ngành mũi nhọn, đồng thời là nguồn động lực để ngư dân bám biển, vươn khơi.
Nhận thức rõ điều đó, ngày 07/07/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thủy sản; tổ chức, cá nhân (gọi là chủ tàu) đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên, đến nay việc tiếp cận nguồn vốn vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện các cảng cá, bến cá theo Quyết định số 1349/QĐ-TTg, ngày 09/08/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Quyết định số 346/QĐ-TTg, ngày 15/03/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng nâng cấp các cảng cá ở các trung tâm nghề cá trọng điểm có quy mô lớn cho tàu công suất từ 90 CV đến trên 600 CV, có công nghệ hiện đại, tiên tiến, như ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang. Ở các đảo quan trọng, cần nâng cấp các cảng cá, hệ thống cấp nhiên liệu, nước đá, nước ngọt và tiêu thụ sản phẩm. Đầu tư xây dựng các chợ thủy sản đầu mối quan trọng, góp phần đô thị hóa các vùng nông thôn ven biển, tạo môi trường phát triển nghề cá công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng cường phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư và lực lượng liên quan khác trong công tác kiểm tra, kiểm soát, cứu hộ cứu nạn đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu cá.
Đặc biệt, việc triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại đối với từng ngành hàng để sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao là xu hướng tất yếu. Khuyến khích các cơ sở chế biến đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm xử lý và tận dụng triệt để các phế phụ phẩm trong các loại hình chế biến, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển bền vững. Để đạt được những điều này, ngoài những điều kiện vật chất, yêu cầu phải phát triển nguồn nhân lực, như: tổ chức xây dựng, đào tạo đội ngũ chuyên gia; bồi dưỡng năng lực quản trị, nghiệp vụ kinh doanh cho các doanh nghiệp chế biến; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật cao trong khai thác, bảo quản và chế biến thủy, hải sản./.
Nguồn tham khảo:
1. Chính phủ (2014). Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/07/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản
2. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định số 1445/2013/QĐ-TTg, ngày 16/08/2013 về Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
3. Ngọc Quỳnh (2014). Bài 1: Chưa tương xứng với tiềm năng, truy cập từ http://hanoimoi.com.vn/Ban-in/Xa-hoi/696950/bai-1-chua-xung-voi-tiem-nang
Bình luận