Trong phiên giao dịch cuối tuần (20/11), giới đầu tư đã đẩy USD tăng lên khi đổ tiền mua bù trạng thái sau khi đồng bạc xanh giảm 0,7% trong 2 phiên trước đó. Kết thúc phiên giao dịch, USD tăng 0,8% so với EUR, lên 1,0645 USD/EUR. Tính chung cả tuần, USD tăng 1,2% so với EUR.

Trong khi đó, so với đồng JPY (Yên Nhật) thì USD khá ổn định ở mức 122,9 JPY/USD, cả tuần chỉ tăng 0,2%.

Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, tăng 0,3% lên 90,31 điểm, cả tuần tăng 0,2% và sát mức cao nhất 13 năm.

Nguyên nhân USD tăng được cho là do giới đầu tư tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua trong phiên họp chính sách ngày 15-16/12 tới đây. Trong lần họp hồi tháng 9, Fed đã quyết định chưa tăng lãi suất song vẫn đưa ra tín hiệu sẽ tăng trong năm nay.

USD mạnh lên so với EUR khi Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi phát tín hiệu ECB sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ để thúc đẩy lạm phát. Hôm 20/11, ông Draghi nhắc lại rằng ECB sẵn sàng sử dụng mọi công cụ có thể trong phiên họp ngày 3/12 tới, kể cả mở rộng chương trình mua tài sản hiện nay cũng như hạ lãi suất hơn nữa.

Ngày càng có nhiều dự đoán USD sẽ ngang giá với EUR. Nomura Holding (công ty chứng khoán lớn nhất Nhật Bản) dự báo đồng bạc xanh sẽ ngang giá với đồng tiền chung vào giữa năm 2016.

Tại thị trường Việt Nam trong tuần qua, USD cũng tăng mạnh, tỷ giá tiếp tục làm nóng thị trường ngoại hối khi liên tục điều chỉnh tăng. Đáng chú ý, trong ngày 17/11, thị trường đã “dậy sóng” bởi các ngân hàng thương mại đều niêm yết tỷ giá ở mức cao. Tính chung cả tuần qua, tỷ giá đã tăng khoảng 40 VND/USD.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ, xóa bỏ các kỳ vọng sai lệch về tỷ giá để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

Hiện nay, việc người dân đầu tư vào USD là gần như không sinh lời. Đối với lãi suất huy động bằng USD của tổ chức tín dụng đang phổ biến ở mức 0,25%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức.

Trong khi đó, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3 - 6,7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3 - 5,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,5 - 6,7%/năm./.