"Một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành...", TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023, diễn ra chiều nay (8/8).

Lãi suất cho vay vẫn còn cao
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế dự báo, với một quốc gia mở cửa như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ

Một trong những nguyên nhân cho thấy lãi suất vẫn đang khá cao là do ngành ngân hàng vẫn phải dè chừng với biến động tỷ giá. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, có 3 yếu tố để cho thấy tỷ giá năm nay giảm, USD khó “sốt” trở lại và Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành hơn nữa.

Thứ nhất, chỉ số USD index đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái còn 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. USD index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay.

Thứ hai, giá hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng, nhất là giá nhiên liệu – gây áp lực với tỷ giá – song Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp (thuế, phí xăng dầu).

Thứ ba, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương.

Đây là các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nguy hiểm. Ngân hàng Nhà nước có thể mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Dự đoán, tỷ giá năm 2023-2024 sẽ duy trì ổn định.

Liên quan đến câu chuyện lãi suất, ông Nghĩa nhìn nhận, nhiều khả năng cuối năm nay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay, do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp…/.