Hà Nội cần chuẩn hóa hồ sơ xác nhận giấy đi đường cho người dân
Ngày 7/8, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 2562/UBND-KT về việc “Siết chặt việc xác nhận và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6-8-2021 của Chủ tịch UBND thành phố”.
Thực hiện văn bản này, các lực lượng chức năng đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao; song trong tổ chức thực hiện còn để xảy ra hiện tượng ùn ứ, tập trung đông người tại một số địa điểm trên địa bàn. Đặc biệt, cách yêu cầu hồ sơ xin "cấp giấy đi đường" mỗi nơi mỗi khác, khiến doanh nghiệp và người dân khó đáp ứng, khó chấp nhận theo các yêu cầu của cơ quan chức năng.
Ngày 8/8/2021, một số doanh nghiệp cho biết, hồ sơ địa phương yêu cầu doanh nghiệp làm khi xin cấp giấy đi đường gồm 7 mục, trong đó có phương án phòng, chống dịch của doanh nghiệp; giấy phép kinh doanh; quyết định phân công trực của người đứng đầu; danh sách phân công trực... và đặc biệt, yêu cầu có cả bảng lương của đơn vị. "Địa phương yêu cầu doanh nghiệp cung cấp cả bảng lương là một đòi hỏi phi lý, cho thấy sự cồng kềnh của các loại thủ tục", Chủ tịch một công ty hoạt động tại Hà Nội cho biết.
Việc kiểm tra, kiểm soát nhằm giảm lượng người ra đường là cần thiết, nhưng Hà Nội cần chuẩn hóa và bỏ đi các thủ tục phi lý trong hồ sơ xin cấp giấy đi đường của người dân |
Tối 9/8, trao đổi về hiện tượng ùn ứ giao thông tại một số điểm do công tác kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường với báo chí, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, việc kiểm tra, kiểm soát nhằm giảm lượng người ra đường, bảo đảm giãn cách xã hội thực chất. Đây là biện pháp quyết định để ngăn chặn dịch bùng phát rộng, bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng nhân dân. Thành phố mong người dân, các cơ quan, tổ chức hợp tác, chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, nguyên tắc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình; người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố cũng đã nêu rõ yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể trên địa bàn Thành phố bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thật sự cần thiết như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp bách cần thiết khác.
Thực tiễn cho thấy sau hơn 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, một trong những hạn chế lớn nhất là nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm yêu cầu trên. Số người ra đường còn đông, trong đó có không ít trường hợp không đúng đối tượng, không đúng mục đích. Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả phòng, chống dịch; một phần làm cho tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát, lây lan rộng, đe doạ an toàn sức khoẻ, tính mạng người dân nếu không kịp thời có biện pháp mạnh để khắc phục.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, để thực hiện mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng nhân dân, Hà Nội sẽ kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp mạnh nhằm bảo đảm nguyên tắc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, Chỉ thị số 17/CT-UBND. "Kiểm tra giấy đi đường không phải để phạt người dân mà làm căn cứ để phát hiện và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND Thành phố về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội", Phó Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết. Tuy vậy, trước phản ánh của nhiều doanh nghiệp và người dân, ông Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, Thành phố sẽ điều chỉnh việc kiểm tra giấy đi đường đúng mục đích, đối tượng.
Được biết, văn bản số 2562/UBND-KT do Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền thay mặt Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký ban hành ngày 7/8/2021, quy định 7 nội dung, trong đó có việc giao cho UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn, cụ thể như sau:
- Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn Thành phố: phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo).
+ Đối với các Khu, Cụm công nghiệp, chính quyền địa phương chủ động phối hợp các Chủ doanh nghiệp thống nhất phương án tổ chức thực hiện giám sát nơi đi hoặc nơi đến phù hợp với tình hình thực tế.
+ Đối với các Chợ: Ban Quản lý chợ lập danh sách tiểu thương và những người liên quan duy trì hoạt động của chợ đảm bảo theo phương án giãn cách, giảm quầy hàng theo quy định. Trên cơ sở danh sách do các Ban Quản lý chợ cung cấp, UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra, xác nhận và gửi lại cho Ban Quản lý chợ để cấp cho tiểu thương và người có liên quan sử dụng.
- Đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tạm dừng hoạt động: phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo) cho nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại đơn vị.
- Việc triển khai cấp hoặc xác nhận liên quan đến Giấy đi đường trong thời gian giãn cách, UBND các xã, phường thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn, thông báo các tổ chức, cá nhân thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người và thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Trước thực tế các địa phương hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thiếu thống nhất, thủ tục phức tạp không cần thiết, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần ban hành một mẫu chuẩn, hướng dẫn các thủ tục cần thiết nhất cho người dân, doanh nghiệp khi cần xác nhận giấy đi đường, đảm bảo tính hợp lý và khoa học trong phòng chống đại dịch Covid-19./.
Bình luận