Hà Nội dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử
Theo báo cáo của VECOM, điểm chỉ số thương mại điện tử (EBI) trung bình của tất cả các địa phương năm 2014 là 56,5 cao hơn gần một điểm so với năm 2013.
Năm 2014, TMĐT tiếp tục phát triển vững chắc, thâm nhập vào mọi lĩnh vực kinh doanh và có sự gắn kết khăng khít với công nghệ thông tin và truyền thông, trở thành một trong các trụ cột của tiến trình xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức của Việt Nam.
Tại Lễ công bố Chỉ số TMĐT Việt Nam diễn ra vào ngày 6/2 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VECOM cho biết, chỉ số TMĐT Việt Nam 2014 cho thấy có sự chênh lệch lớn về sự phát triển TMĐT giữa các địa phương.
Trong khi điểm EBI trung bình của tất cả các tỉnh là 56, 5 thì điểm trung bình của nhóm 5 địa phương dẫn đầu là 68,3 và điểm trung bình của nhóm 5 địa phương đứng cuối là 48,0. Sự khác biệt về TMĐT giữa các địa phương năm 2014 đã tăng lên so với năm 2013 và xu hướng này có thể tiếp diễn.
Cũng theo ông Hưng, chỉ số 2014 cho thấy, Hà Nội dẫn đầu cả nước về chỉ số TMĐT trong năm 2014, nhận điểm 72,6 (thang 100). Sau Hà Nội, các tỉnh có chỉ số TMĐT cao kế tiếp là: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Cần Thơ, Nghệ An… Còn tỉnh đứng cuối bảng danh sách xếp hạng chỉ số TMĐT trên cả nước là Lai Châu.
Một điểm đáng lưu ý trong báo cáo TMĐT 2014 đó là TMĐT trên nền tảng di động đã hình thành, thâm nhập và phát triển khá nhanh. Báo cáo cho thấy có 10% doanh nghiệp đã khai thác các ứng dụng di động để phục vụ kinh doanh, trong khi 15% số doanh nghiệp đã có website riêng cho biết đã có phiên bản di dộng.
Thêm nữa, hình thức mạng xã hội không chỉ là kênh chia sẻ thông tin mà nó đã trở thành một nền tảng giúp TMĐT phát triển. Có 24% các doanh nghiệp đã tiến hành kinh doanh trên mạng xã hội, trrong đó có 16% cho biết hoạt động này mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, báo cáo còn chỉ ra rằng, quyền lợi của người tiêu dùng trực tuyến chưa được bảo vệ thỏa đáng khi tham gia giao dịch TMĐT.
Đại diện VECOM khẳng định, đây là trở ngại lớn nhất với hình thức TMĐT loại hình B2C tại Việt Nam và cũng là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tuyến trong những năm tới.
Khảo sát cũng cho thấy, phần lớn doanh nghiệp kinh doanh online đã có chính sách bảo vệ thông tin cá nhân cho khách hàng, trong đó tỷ lệ các doanh nghiệp lớn quan tâm tới việc bảo vệ thông tin cá nhân cao hơn đáng kể so với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình bằng cách kiểm chứng thông tin các trang web, các sàn TMĐT thông qua trang thông tin online.gov.vn trước khi ra quyết định./.
Bình luận