Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng, diễn ra sáng ngày 12/02/2023, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, với vai trò là đầu tàu, là hạt nhân có tính chất lan tỏa của vùng nói riêng và khu vực Bắc bộ nói chung trên hầu hết các lĩnh vực, Thủ đô Hà Nội xác định trọng trách, trách nhiệm của mình đối với phát triển vùng và cả nước, cùng các tỉnh, thành phố trong vùng quyết tâm phấn đấu tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch tại địa phương mình, đặc biệt chú ý đến tính kết nối không gian, liên kết phát triển.

Hà Nội phấn đấu trở thành trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng về phát triển công nghệ lõi, công nghệ số
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc thực hiện Nghị quyết số 30 -NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ là những căn cứ chính trị, cơ sở quan trọng để xây dựng các định hướng mang tính chiến lược, dài hạn phát triển Thủ đô Hà Nội trong không gian chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Với mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, TP. Hà Nội còn phấn đấu phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD. Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt khoảng 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Phát triển ngành công nghiệp Thủ đô dẫn đầu cả nước

Tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với đổi mới sáng tạo nhằm tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững.

Trong đó, định hướng phát triển hạ tầng dịch vụ thông minh, văn minh, hiện đại có giá trị gia tăng cao như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic, phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa.

Xây dựng một số khu vực của Hà Nội trở thành trung tâm mua sắm, trao đổi hàng hóa, dịch vụ hàng đầu của cả nước và khu vực, áp dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) trong giao dịch và thanh toán. Phát triển công nghiệp Thủ đô theo hướng công nghệ cao, hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng phát thải các bon thấp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2030 khoảng 20%. Phát triển ngành nông nghiệp Thủ đô dẫn đầu cả nước với định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2030 đạt 80% (năm 2025: 70%).

Hà Nội phấn đấu trở thành trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng về phát triển công nghệ lõi, công nghệ số
Hà Nội đặt ra mục tiêu trong 10 năm tới sẽ trở thành thành phố có ngành công nghiệp theo hướng hiện đại. Ảnh minh họa

Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo làm cơ sở để đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo sự bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, trọng tâm là xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP vào năm 2030 chiếm 40% (năm 2025 đạt 30%). Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu các cơ chế, chính sách đột phá trong xây dựng hạ tầng số, hạ tầng phục vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là lực lượng sản xuất chính, là động lực hàng đầu, làm tiền đề và điều kiện tiên quyết cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Hà Nội phấn đấu trở thành trung tâm của vùng về phát triển công nghệ lõi, công nghệ số, xây dựng các cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia liên kết với các trường, viện, cơ sở nghiên cứu trên địa bàn Thành phố; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.

Xây dựng bản sắc văn hóa Thủ đô trở thành nguồn lực phát triển

Phát triển văn hoá Thủ đô ngang tầm với kinh tế, xã hội, xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực mới cho Thủ đô. Xây dựng bản sắc văn hóa Thủ đô trở thành nguồn lực phát triển có thương hiệu mạnh, có tính sáng tạo, sức cạnh tranh, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy bản sắc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa của Thủ đô.

"Thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho thấy tầm quan trọng của ngành văn hóa với sự phát triển bền vững của Thủ đô giai đoạn tới, tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân", ông Thanh cho hay. Phấn đấu tỷ trọng ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP đến năm 2025 đạt 5%, năm 2030 đạt khoảng 8%.

Xây dựng Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch

Chủ tịch TP. Hà Nội nhấn mạnh giải pháp phát triển đô thị, hạ tầng đồng bộ Thủ đô Hà Nội theo hướng đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò hạt nhân, lan tỏa.

Xây dựng Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; nông thôn phát triển hiện đại, hài hòa, có bản sắc tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước. Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm. Phấn đấu đến năm 2025 có 3 - 5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1 - 2 huyện phát triển thành quận. Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị và xây dựng mô hình Thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai)... Tỷ lệ đô thị hóa năm 2030 dự kiến đạt khoảng 75%.

Tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, phù hợp với xu thế phát triển. Ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, hạ tầng số tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo đó, hệ thống giao thông vận tải Thủ đô cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, phấn đấu xây dựng hệ thống mạng lưới giao thông thông minh, kiềm chế giảm dần ùn tắc và tai nạn giao thông. Cùng với hệ thống giao thông quốc gia hình thành hệ thống giao thông của Thủ đô đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải; phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2027; phấn đấu chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 5 trước năm 2030. Tỷ lệ diện tích đất giao thông/đất đô thị đến năm 2030 đạt 15-20%. Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 45-50%

"Phát huy vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước với các lĩnh vực cần chú trọng phát triển như: phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, ngân hàng, du lịch và đô thị thông minh", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói và chỉ rõ, đến năm 2030, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, 4 nội dung công việc cần triển khai trong thời gian tới.

Thứ nhất, về thể chế, chính sách, Hà Nội phối hợp cùng với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tập trung đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội Vùng, liên Vùng, quốc tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam; Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Thứ hai, phát triển công nghiệp gắn với chuỗi liên kết giá trị và gắn với quá trình đô thị hóa, phía Bắc sông Hồng là hành lang kinh tế nối các thành phố công nghiệp lớn với các cảng biển tại Hải Phòng, Quảng Ninh. Hình thành chuỗi đô thị Bắc sông Hồng (thành phố trong Thành phố) kết nối thành vòng cung từ Việt Trì, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Móng Cái tạo thành hành lang kinh tế Bắc Bộ với đô thị lõi phía Bắc Hà Nội (Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh), trong tương lai đảm nhiệm vai trò đầu tàu thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế này.

Thứ ba, phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế. Đối với ngành thương mại, du lịch, liên kết hợp tác về thương mại giữa các tỉnh/thành phố trong vùng, cũng như các địa phương trong cả nước có vai trò rất quan trọng, nhằm đảm bảo khai thác hết các nguồn hàng của các địa phương. Liên kết, hợp tác thương mại bắt đầu từ các giải pháp đồng bộ như quy hoạch phát triển thương mại toàn vùng Thủ đô và từng địa phương, nghiên cứu thành lập trung tâm xúc tiến thương mại quốc tế tại Hà Nội, để hỗ trợ các địa phương phát triển và liên kết thương mại.

Thứ tư, hình thành các cụm, chuỗi liên kết du lịch vùng nhằm khai thác có hiệu quả cao tài nguyên du lịch rất phong phú của toàn vùng, bao gồm việc các tỉnh, thành phố tích cực tham gia xây dựng chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng, lập chương trình và các dự án phát triển du lịch, đầu tư thực hiện các dự án có quy mô và ý nghĩa toàn vùng để tích hợp vào quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và quy hoạch các tỉnh, thành đang được nghiên cứu xây dựng. Tăng cường liên kết trong việc xúc tiến và quảng bá hình ảnh du lịch của Thủ đô và của các tỉnh, thành trong vùng. Liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác như ngành văn hoá, thương mại và phát triển cơ sở hạ tầng.

Thứ năm, về liên kết phát triển ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, Hà Nội chủ trương phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, hướng tới lựa chọn đối tác tin cậy, có năng lực trước khi thực hiện xây dựng vùng liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng vùng liên kết.

Thứ sáu, về liên kết phát triển văn hóa, coi văn hóa như là động lực phát triển Hà Nội và cả vùng, trong đó Thủ đô Hà Nội là hạt nhân, trung tâm hội tụ, lan tỏa.

"Trong đó yêu cầu Hà Nội phải trở thành địa phương sáng tạo đặc thù, có những đặc trưng riêng, thể hiện bản sắc, tiêu biểu về văn hóa - lịch sử. Phối hợp cùng với các địa phương trong vùng xây dựng, phát triển các trung tâm văn hóa lớn của Thủ đô và của vùng Đồng bằng sông Hồng tại Thủ đô", Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nêu rõ./.