Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, vùng Đồng bằng sông Hồng có quy mô lao động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với tổng lực lượng lao động là 11,44 triệu người, chiếm 22,64% lực lượng lao động cả nước năm 2021. Thời gian qua, tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tăng từ 38,8% lên 60,53%; tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 37,68% còn gần 13,55% trong năm 2021, cho thấy cơ cấu lao động chuyển dịch rất nhanh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra 4 hạn chế trong phát triển thị trường lao động vùng Đồng bằng sông Hồng
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Năm 2021, vẫn còn trên 63% lực lượng lao động chưa qua đào tạo hay không có bằng cấp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chỉ ra 4 hạn chế trong tiến trình phát triển thị trường lao động của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thứ nhất, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động của Vùng, mặc dù cao nhất trong 6 vùng của cả nước, nhưng còn hạn chế và bất hợp lý về cơ cấu trình độ đào tạo. Năm 2021, vẫn còn trên 63% lực lượng lao động chưa qua đào tạo hay không có bằng cấp/chứng chỉ. Về cơ cấu lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên trong tổng lực lượng lao động là 17,33%, trong khi số có trình độ cao đẳng chỉ là 4,8%, trung cấp là 5,47% và sơ cấp là 9,36%. Đến năm 2021, mới chỉ có 15,1% lao động nông thôn được qua đào tạo; 21,3% lao động nữ được qua đào tạo.

Thứ hai, cơ cấu lao động, cơ cấu việc làm của Vùng chuyển dịch nhanh, song chưa bền vững, chất lượng việc làm còn thấp và tính dễ bị tổn thương của việc làm còn cao. Lao động dịch chuyển khỏi ngành nông nghiệp đa số chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp gia công, lắp ráp (hoạt động có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị) hay làm việc trong các ngành dịch vụ ở khu vực bán lẻ có giá trị gia tăng rất thấp.

Đến năm 2021, phần lớn lực lượng lao động vẫn thuộc khu vực nông thôn (chiếm trên 62,4% tổng lao động có việc làm); còn hơn 1/3 số lao động có việc làm (37%) là lao động dễ bị tổn thương (bao gồm lao động tự làm và lao động hộ gia đình); phần lớn người lao động của vùng làm việc trong khu vực phi chính thức (57,1%).

"Điều này cho thấy, cơ cấu lao động còn lạc hậu với chất lượng việc làm thấp; trình độ lao động còn hạn chế sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề, công đoạn có giá trị gia tăng cao để tăng năng suất lao động và đáp ứng nhu cầu công nghiệp- hiện đại hóa của Vùng và cả nước", Bộ trưởng cho biết.

Thứ ba, cầu việc làm kỹ năng cao còn hạn chế do trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh của nước ta chủ yếu ở mức trung bình và thấp. Trong thực tế, tỷ lệ lao động có việc làm trình độ kỹ năng cao của vùng Đồng bằng sông Hồng dù cao nhất trong 6 vùng kinh tế, nhưng cũng mới chỉ đạt 15,83% năm 2021 (cả nước là 12,64%) và còn khoảng cách khá xa so với nhóm nước có thu nhập trung bình cao (20%) trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đã gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp và đang hướng tới trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Thứ tư, vấn đề di cư lao động cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, có các làn sóng dịch chuyển lao động phổ thông của Vùng vào các tỉnh phía Nam tìm việc và làn sóng lao động di cư từ các vùng khác vào các khu công nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, hoặc đi làm việc ở nước ngoài.

"Đáng chú ý, năm 2009, Đồng bằng sông Hồng có tỷ suất di cư thuần âm (xuất cư cao hơn nhập cư), thì từ 2014 đến nay vùng đã có tỷ suất di cư thuần dương (nhập cư cao hơn xuất cư), cho thấy sức hút kinh tế từ sự tập trung tại một số địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của vùng", Bộ trưởng nêu hiện tượng.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn lực lượng lao động nhập cư vào làm việc tại các khu công nghiệp của vùng đa phần có trình độ thấp, chưa được đào tạo nghề, đang gây áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng của các địa phương. Bản thân các lao động này cũng gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề nhà ở và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản khác.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, hàng vạn lao động di cư bị mất việc, nghỉ việc do giãn cách-không có nhà ở, không có thu nhập buộc họ phải trở lại quê nhà, tạo ra áp lực về giải quyết việc làm tại địa phương và thiếu hụt cục bộ nguồn lao động ở các khu công nghiệp phía Nam.

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế theo Bộ trưởng là do: (1) Hệ thống đào tạo nhân lực của vùng chưa có bước đổi mới đột phá trong nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động; (2) Hệ thống dịch vụ việc làm công và tư nhân chưa phát triển, chất lượng dịch vụ kết nối cung-cầu lao động còn hạn chế, công tác thu thập, phân tích thông tin và dự báo thị trường lao động chưa đáp ứng được yêu cầu; quy định về hoạt động cho thuê lại lao động giao cho các địa phương quản lý, đang là một trong những phương thức linh hoạt để kịp thời đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong ngắn hạn. Tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều hạn chế về danh mục ngành, nghề được phép cho thuê lao động; quy định về tiền ký quỹ còn bất cập.

Bên cạnh đó là do thiếu liên kết vùng, tăng trưởng kinh tế của Vùng chưa thực sự chất lượng, hiệu quả và bền vững, sức cạnh tranh chưa cao, chưa tạo ra đột phá về thu hút sử dụng lao động kỹ năng cao.

Chuyển đổi nhân lực phải đi trước một bước

Dự báo thách thức thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ngoài các thách thức chung, hiện nay nổi lên một số vấn đề liên quan đến Vùng như tình trạng già hóa dân số.

“Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, đến năm 2038 sẽ có khoảng 20% là người già. Điều này đặt ra thách thức rất lớn trong vấn đề lực lượng lao động, an sinh xã hội, chăm sóc người lớn tuổi…”, Bộ trưởng Dung cho hay.

Thứ hai là thay đổi thế giới việc làm, đặc biệt là di cư, di biến động, việc làm chất lượng cao và thỏa đáng, đặc biệt là tiền công.

Thứ ba, biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh mẽ đến vùng Đồng bằng sông Hồng, đe dọa trực tiếp sinh kế của người dân, nhất là khu vực nông thôn, khu vực dễ tổn thương.

Thứ tư, tỷ lệ việc làm trong khu vực phi chính thức còn cao, phần đông lao động đang đảm nhận công việc dễ tổn thương. Điều này gây thách thức thu nhập, năng suất lao động, khả năng tiếp cận thị trường…

Do đó, muốn phát triển thị trường lao động của vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, cần tiếp tục củng cố và đẩy nhanh liên thông hệ thống hạ tầng cơ sở, bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Bên cạnh xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hiện nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, chuyển đổi nhân lực phải đi trước một bước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị:

Một là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là những lĩnh vực kinh tế tri thức, dịch vụ, công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao, những ngành nghề tiên phong.

Hai là, hiện đại hóa, phát triển dịch vụ việc làm của vùng Đồng bằng sông Hồng, tăng cường kết nối, liên thông với thị trường lao động các vùng trên cả nước, các nước phát triển.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh hợp tác công tư giữa các trung tâm dịch vụ việc làm công và tư nhân và các đối tác xã hội khác để cung cấp dịch vụ việc làm đa dạng, tăng cường độ bao phủ đến các nhóm dân cư có nhu cầu tìm kiếm việc làm, nhất là thanh niên, lao động nông thôn; chú trọng giải quyết việc làm cho các nhóm đối tượng yếu thế trong các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Ba là, đẩy mạnh liên kết thông qua việc chủ động phối hợp trong xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nguồn nhân lực, xây dựng thị trường lao động linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Bốn là, chính quyền các địa phương của Vùng cần tiếp tục tạo hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm phát triển doanh nghiệp đi đôi với cải thiện việc làm cho người lao động, có hệ thống an sinh xã hội bền vững./.