Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng, ngày 12/02/2023, đã diễn ra lễ công bố và trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 và trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ một số chương trình, dự án đầu tư phát triển của Vùng.

Đến năm 2050, Quảng Ninh phát triển với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Quảng Ninh bao gồm toàn bộ tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích tự nhiên trên đất liền 6.206,9 km2 và phần diện tích biển có ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm một khoảng cách 6 hải lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và công bố, với 13 đơn vị hành chính gồm: 4 thành phố (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 2 thị xã (Quảng Yên, Đông Triều) và 7 huyện (Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô).

Phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Về mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 là 10%/năm, cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 3-4%; công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 47-48%; dịch vụ chiếm khoảng 38-39% và Thuế sản phẩm 9-10%; GRDP bình quân đầu người đạt 19.000 - 20.000 USD.

Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 1,9%/năm; đến 2030 dân số toàn Tỉnh khoảng 2,64 triệu người, trong đó dân số thường trú khoảng 1,63 triệu người; duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) của Tỉnh ở nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%...

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.

Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó với ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế.

Phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường; tiếp tục duy trì là một trung tâm năng lượng của quốc gia (một trong những trung tâm điện gió, điện khí LNG của miền Bắc), chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Không mở rộng các nhà máy nhiệt điện than; đầu tư nâng cao hiệu suất các nhà máy hiện tại, bảo vệ môi trường.

Phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành Than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch; giai đoạn 2021-2030, sản lượng khai thác than của Quảng Ninh cơ bản ổn định và tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 1,2%/năm; đến năm 2030, sản lượng khai thác đạt trên 49 triệu tấn.

Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; phát triển Quảng Ninh là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN; sân bay quốc tế Vân Đồn thành một trung tâm logsitics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho khu vực Đông Nam Á.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống dịch vụ chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, giá trị gia tăng lớn. Quảng Ninh là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế; đón khách quanh năm, phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 25 triệu lượt du khách (trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế), đạt tốc độ tăng trưởng du khách bình quân khoảng 6%/năm.

Về kinh tế biển, Quyết định nêu rõ, xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển - ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước.

Đồng thời xây dựng Quảng Ninh thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước.

Phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; đồng thời giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đặc trưng Quảng Ninh để phát triển du lịch bền vững. Phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển của Tỉnh theo phương thức quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia thực chất của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Phát triển thành phố Hạ Long trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 10/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040.

Quy mô lập quy hoạch khoảng 1.121,322 km2 (112.132 ha) và diện tích mặt biển khoảng 402 km2 (40.251 ha).

Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Phát triển thành phố Hạ Long theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc Thành phố.

Đồng thời, khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của thành phố Hạ Long; tạo việc làm; nâng cao chất lượng đô thị; khai thác tốt hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư trên địa bàn để kết nối, mở rộng không gian phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch.

Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, đồng bộ; phát huy vai trò là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng (đường thủy, đường bộ, đường sắt, hàng không) kết nối trong nước và quốc tế...

Theo dự báo đến năm 2040, thành phố Hạ Long có khoảng 800.000-830.000 người (trong đó: dân số thường trú 550.000-570.000 người, dân số quy đổi khoảng 250.000-260.000 người).

Thành phố Hạ Long phát triển theo mô hình gồm 5 Vùng (Vùng vịnh Hạ Long, Vùng phía Đông, Vùng phía Tây, Vùng vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục, Vùng đồi núi phía Bắc); 1 hành lang ven Vịnh Hạ Long và lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.

Theo định hướng, đô thị Hạ Long phát triển gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long, phát triển mở rộng không gian nội thành về phía Bắc vịnh Cửa Lục (các xã Lê Lợi, Thống Nhất, Sơn Dương, Vũ Oai), khai thác phát triển khu vực nông thôn và đồi núi phía Bắc gắn với các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ sinh thái và sản xuất nông lâm nghiệp chất lượng cao.

Về du lịch, thành phố Hạ Long phát triển các khu du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, resort cao cấp, cảng tàu khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy nội địa hiện đại đẳng cấp quốc tế tại khu vực phía Tây và phía Bắc vịnh Cửa Lục; du lịch văn hóa tại khu vực phía Đông và vùng đồi núi phía Bắc; phát triển hệ thống các bãi tắm và dịch vụ công cộng tại các khu vực ven biển: Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu, Hồng Hà, Hà Phong, Yết Kiêu, Cao Xanh... Phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch đa dạng trên vịnh Hạ Long, vịnh Cửa Lục, hồ Yên Lập và khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác phát triển

Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã cùng các đối tác phát triển, bao gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) tại Việt Nam, đã ký Biên bản ghi nhớ, Biên bản hợp tác cung cấp vốn cho các dự án phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng.

Số lượng dự án được ký kết là 20 dự án, với tổng quy mô vốn hơn 2,6 tỷ USD, tập trung ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu.

Phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt
Lễ trao Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác phát triển

Ngoài ngân khoản quý giá của các đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã cam kết đầu tư nhiều dự án nghìn tỷ vào vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trong đó, nhiều dự án đã được trao chứng nhận đăng ký đầu tư. Chẳng hạn, ở Hải Phòng, có Dự án “Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán và cho thuê”, với tổng mức đầu tư 4.865,16 tỷ đồng của Công ty Thai-Holding; Dự án “Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Cell Pin 1”, với tổng mức đầu tư 3.295 tỷ đồng, của Công ty Giải pháp năng lượng VinES; hay Dự án “Khai thác tàu container”, với tổng mức đầu tư 1.383 tỷ đồng của Công ty liên doanh Zim Hải An.

Tổng cộng, có 30 dự án đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, với tổng vốn đầu tư 167.000 tỷ đồng (tương đương 7,1 tỷ USD).

Hội nghị cũng chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư/biên bản hợp tác đầu tư giữa các địa phương với các nhà đầu tư./.