Hải Dương tìm đầu ra cho trái vải và nông sản tiêu biểu
Sự kiện sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hải Dương, kết nối với hàng trăm điểm cầu trong nước và hàng chục điểm cầu nước ngoài từ Anh, Australia, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore và Trung Quốc.
Vải thiều Thanh Hà là một đặc sản trái cây của tỉnh Hải Dương
Đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử
Các điểm cầu trong nước sẽ có sự tham dự của đại biểu các cơ quan bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sản xuất, thu mua, kênh phân phối. Các điểm cầu nước ngoài sẽ có sự tham dự của các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam (Thương vụ) và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường tiêu thụ nông sản quan trọng của Việt Nam. Ngoài ra còn có nhiều nhà nhập khẩu, một số sàn thương mại điện tử lớn có quy mô hoạt động toàn cầu của nước ngoài, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, các cơ quan đại diện quốc tế, đại sứ quán nước ngoài, tổng lãnh sự quán nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí…
Hội nghị nhằm mục đích đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hải Dương tiếp xúc, trao đổi, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao thương và mở rộng liên doanh, liên kết trong tiêu thụ vải và các mặt hàng nông sản của tỉnh với doanh nghiệp trong nước và quốc tế; đặc biệt là đối với vải thiều Thanh Hà, một đặc sản nổi tiếng của Hải Dương nói riêng.
Hội nghị sẽ báo cáo kết quả sản xuất, tiêu thụ vải thiều và nông sản của tỉnh Hải Dương năm 2020; những định hướng, dự báo kết quả sản xuất, tiêu thụ niên vụ 2021; thông tin về những sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan đối với sự phát triển thị trường và chuỗi giá trị bền vững cho quả vải thiều Thanh Hà cùng nhiều mặt hàng nông sản tiêu biểu khác của tỉnh. Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý, nhà khoa học từ các thị trường tiêu thụ vải quan trọng của Hải Dương cũng chia sẻ những thông tin thiết thực liên quan đến tình hình, yêu cầu của thị trường, nhu cầu nhập khẩu quả vải và nông sản Hải Dương.
Trong xu hướng mua sắm online ngày càng trở nên phổ biến, quả vải Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương cũng đã và đang được phát triển thị trường trên nhiều kênh trực tuyến. Tại hội nghị, đại diện các sàn thương mại điện tử lớn như Alibaba, Lazada, hệ thống siêu thị của Vincommerce, các doanh nghiệp đầu mối thu mua xuất khẩu, cơ sở sản xuất, chế biến vải và nông sản Hải Dương sẽ chia sẻ những cơ hội và triển vọng hợp tác, chung tay đưa quả vải thiều và nông sản Hải Dương đi xa tới nhiều phân khúc thị trường trong nước và quốc tế.
Hội nghị cũng sẽ chứng kiến Lễ Khởi động “Chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử” thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại; lễ ký kết hợp tác hỗ trợ vải thiều và sản phẩm nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử giữa Cục Xúc tiến thương mại, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, Sở Công Thương Hải Dương, cùng 02 sàn thương mại điện tử Lazada và Sendo; các hoạt động trao đổi hợp tác giữa các siêu thị, sàn thương mại điện tử Voso (Viettel Post) và Postmart (Vietnam Post) với các nhà cung ứng vải Hải Dương, giữa các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu với các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản Hải Dương.
Kết nối doanh nghiệp và nhà cung ứng nông sản Hải Dương
Trong khuôn khổ hội nghị, từ ngày 18-20/5/2021, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương (Sở Công Thương Hải Dương) tổ chức chương trình kết nối trực tuyến giữa doanh nghiệp cung ứng vải và nông sản Hải Dương với nhiều đầu mối nhập khẩu tiềm năng trên thế giới, bao gồm cả những đầu mối ở các thị trường xuất khẩu vải truyền thống của Hải Dương và những thị trường tiềm năng mới.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu nhiều loại nông sản của Việt Nam nói chung bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác quốc tế như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), đang tạo ra nhiều lợi thế về thuế quan trong xuất khẩu hàng nông sản nhưng đồng thời cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khi phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật như yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, hàm lượng dinh dưỡng… trong sản phẩm một cách chi tiết, cụ thể và nghiêm ngặt hơn.
Hải Dương nằm ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Hàng năm lượng hàng hóa nông sản của tỉnh được sản xuất và tiêu thụ với số lượng rất lớn; nhiều loại nông sản được sản xuất chuyên canh, tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước và xuất khẩu như: su hào, cà rốt, hành, tỏi, bí xanh, bí đỏ, vải thiều, ổi, na… cùng với đó là các loại gia súc, gia cầm và thủy sản cũng dồi dào, phong phú. Trong những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, qua đó tăng năng suất, chất lượng và sản lượng cho cây trồng, vật nuôi…
Hiện nay, vải thiều và một số loại nông sản của tỉnh Hải Dương sắp bước vào vụ thu hoạch. Năm 2021, diện tích vải toàn tỉnh Hải Dương là 9.186 ha, đặc biệt, cơ bản các diện tích vải Thanh Hà và Chí Linh đã sản xuất theo hướng VietGAP. Trong đó, 1.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Đáng lưu ý, có 520 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với 50 ha được cấp chứng nhận.
Riêng huyện Thanh Hà - “thủ phủ” vải thiều của tỉnh Hải Dương, năm 2021 có 3.328 ha vải, trong đó có khoảng 1.600 ha vải sớm, còn lại là vải chính vụ. Tổng sản lượng vải quả toàn tỉnh ước đạt 50-55.000 tấn (trong đó, vải sớm khoảng 30-35.000 tấn; 20-25.000 tấn vải chính vụ), tăng khoảng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Huyện đang duy trì 17 vùng, diện tích 155,2 ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đến các nước: Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Singapore…/.
Bình luận