Hàn Quốc sẽ thực thi Chiến lược bảo hộ công nghệ
Hàn Quốc vượt lên nhờ công nghệ
Từ thập niên 1980, Hàn Quốc đã chọn tập trung vào công nghệ thông tin để chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế |
Trong bài viết: “Kỳ tích sông Hàn: Khởi điểm khó tin của những chaebol 30 năm trước” đăng trên Vietnamnet, tác giả Duy Anh cho biết, cách đây 30 năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc chỉ đứng ngang với các nước nghèo của châu Phi và châu Á. Chỉ trong vòng hai thập kỷ, bằng sự đầu tư có trọng điểm và chọn lọc cùng quyết tâm cao của chính phủ, sự bứt phá về khoa học và công nghệ dẫn đến sự phát tăng tốc thần kỳ của Hàn Quốc khiến các cường quốc từ ngỡ ngàng đến thán phục.
Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn thứ 6 vào nghiên cứu và phát triển trên thế giới và đứng thứ 3 tại châu Á. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có số lượng nghiên cứu viên lớn nhất tính trên một đơn vị việc làm. Nước này cũng có tỷ lệ đầu tư lớn nhất cho nghiên cứu và phát triển do các ngành công nghiệp thực hiện.
Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách táo bạo như Thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông năm 1995; ra mắt kế hoạch tăng cường tin học hóa quốc gia (1996-2000); tập trung nguồn lực nghiên cứu phát triển vào công nghệ thông tin, trong đó hơn 30% chi tiêu của chính phủ vào nghiên cứu và phát triển là vào công nghệ thông tin; tài trợ đối tác công tư về nghiên cứu và phát triển; ban hành luật tăng cường tin học hóa và thành lập ủy ban tăng cường tin học hóa năm 1996 do Thủ tướng chủ trì.
Từ thập niên 1980, Hàn Quốc chọn tập trung vào công nghệ thông tin và áp dụng chiến lược dựa trên công nghệ thông tin để chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Hàn Quốc chọn chiến lược phát triển này bởi những yếu tố sau: công nghệ thông tin phù hợp với Hàn Quốc vì tương đối thâm dụng kiến thức và đòi hỏi ít nguồn lực hơn trong sản xuất và bằng cách áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến, Hàn Quốc sẽ nhảy vọt về công nghệ.
Năm 1990, ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, với việc gia nhập Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc bước vào đội ngũ các nước phát triển. Các chính sách khoa học - công nghệ chuyển trọng tâm sang phát triển kỹ thuật, công nghệ mới. Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra Dự án phát triển công nghệ hàng đầu (Dự án G7) với sự tham gia của Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Giao thông xây dựng, Bộ Môi trường, Bộ Y tế.
Năm 2016, Hàn Quốc thành lập “Hội đồng Chính phủ và tư nhân về ngành công nghiệp mới”, do Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) và Bộ trưởng Công nghiệp, thương mại và tài nguyên làm đồng Chủ tịch. Mục tiêu của Hội đồng này là chuẩn bị một lộ trình sẵn sàng cho ngành công nghiệp Hàn Quốc để có thể bắt kịp xu thế công nghiệp mới.
Nhờ những chiến lược đó, Hàn Quốc đã vươn lên thuộc nhóm đi đầu công nghệ ở hai lĩnh vực là hệ thống viễn thông và hệ thống vận hành nhà máy.
Mới đây, Hàn Quốc thông báo sẽ chi 5.800 tỷ won (5,3 tỷ USD) cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong năm 2021, khi nước này đang thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ mới trong khuôn khổ chính sách kinh tế số mới (Digital New Deal) và các mục tiêu về trung hòa carbon.
Nhờ các chính sách đó đã thúc đẩy sự ra đời và lớn mạnh của các tập đoàn công nghệ ở Hàn Quốc. Các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Huyndai,... đều được gọi là chaebol, theo tiếng Hàn chaebol được ghép bởi từ chae là sở hữu và mumbol là gia đình quyền quý. Các chaebol bắt đầu lớn mạnh từ những năm 1960 khi Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích họ tăng cường xuất khẩu để thúc đẩy kinh tế.
Sự hỗ trợ của Chính phủ dưới dạng các khoản vay, đảm bảo và giãn thuế đã cho phép các công ty tăng trưởng và gia nhập nhiều thị trường. Đây chính là công thức đưa Hàn Quốc ra khỏi nghèo đói. Sự phát triển mạnh mẽ của các chaebol góp phần không nhỏ đưa nền kinh tế Hàn Quốc cất cánh, trở thành một trong những nước công nghiệp mới của châu Á. Với tầm nhìn và những chính sách đổi mới về công nghệ đã đưa Hàn Quốc nhanh chóng trở thành quốc gia thịnh vượng ở khu vực. Đây là một hình mẫu để nhiều quốc gia khác học hỏi.
Hàn Quốc thực thi Chiến lược bảo hộ công nghệ
Thủ tướng Hàn Quốc công bố uyết định sẽ mở rộng việc chỉ định "công nghệ trọng tâm quốc gia" |
Chính phủ Hàn Quốc sẽ lập cơ sở dữ liệu nhằm quản lý lý lịch chuyển đổi công tác của các nhân lực trọng tâm, nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám ra nước ngoài. |
Tháng 12/2021, Chính phủ Hàn Quốc quyết định sẽ mở rộng việc chỉ định "công nghệ trọng tâm quốc gia", là những công nghệ thiết yếu cho năng lực cạnh tranh quốc gia trong số các công nghệ mà Hàn Quốc sở hữu. Hiện tại, có 73 công nghệ thuộc 12 lĩnh vực đã được chỉ định.
Theo dự kiến, trong thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ bổ sung thêm công nghệ tiên tiến chiến lược quốc gia như chip bán dẫn, pin thứ cấp, công nghệ chiến lược trọng tâm gồm 100 mặt hàng vật liệu, linh kiện, trang thiết bị, công nghệ chiến lược thiết yếu quốc gia.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu từ các cơ quan sở hữu công nghệ trọng tâm quốc gia, để hoàn thiện chế tài pháp lý liên quan tới xuất khẩu các công nghệ trọng tâm quốc gia, thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A) tại nước ngoài.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc sẽ lập cơ sở dữ liệu nhằm quản lý lý lịch chuyển đổi công tác của các nhân lực trọng tâm (với điều kiện có sự đồng ý của cá nhân người đó), nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám ra nước ngoài.
Trước tiên, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiến hành quản lý với những nhân lực mà doanh nghiệp đề nghị, sau đó hoàn thiện về mặt pháp lý để mở rộng đối tượng quản lý.
Trong thời gian qua, giới doanh nghiệp đã liên tục đề nghị chính phủ hỗ trợ trong việc quản lý các nhân lực quan trọng.
Ngoài ra, Chính phủ quyết định siết chặt quản lý với các nhân lực nghiên cứu quan trọng trong Viện nghiên cứu khoa học quốc phòng, các nhân lực này phải được phê chuẩn mới có thể xin nghỉ việc hoặc làm việc tại nước ngoài.
Với nhân lực quan trọng của các công ty vừa và nhỏ, chính phủ sẽ tăng cường ưu đãi, khuyến khích làm việc dài hạn hoặc xin việc ở trong nước.
Để phòng ngừa các nhân lực nước ngoài đánh cắp công nghệ chiến lược, công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc, trong năm sau chính phủ sẽ thảo luận với các ban ngành hữu quan để lập đối sách liên quan.
Để bảo hộ các công nghệ trọng tâm của doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ sẽ xây dựng hệ thống hỗ trợ phù hợp và có chọn lọc, như hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho các doanh nghiệp bị xâm hại công nghệ; mặt khác, mở rộng hạ tầng bảo hộ công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, như thiết bị bảo mật.
Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp cấp Vụ trưởng hữu quan về bảo hộ công nghệ một năm hai lần, để tăng cường sự hợp tác liên ngành, đồng thời mở rộng phối hợp quốc tế.
Chiến lược bảo hộ công nghệ lần này tổng hợp từ tất cả các chính sách bảo hộ công nghệ mà các ban ngành hữu quan đang triển khai, như Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm, Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA)./.
Bình luận