TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM

Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Những năm qua, ngành dệt may Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế. Ảnh: Internet.

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành dệt may Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc khi tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, như: FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - EAEU, CPTPP, EVFTA… để mở rộng thị trường và gia tăng kim ngạch XK. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK ngành dệt may vẫn duy trì xu hướng tăng liên tục qua các năm 2016-2019. Năm 2016, kim ngạch XK dệt may của DN Việt Nam đạt 23,84 tỷ USD, đứng thứ 4 thế giới, thì đến năm 2019, con số này đã tăng khoảng 1,25 lần, đạt 29,81 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới. Riêng năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch XK ngành dệt may chỉ đạt 29,81 tỷ USD, giảm 9,25% so với năm 2019 (Biểu đồ 1), nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ vững được vị trí thứ 2 trên thế giới về kim ngạch XK.

Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP DỆT MAY XUẤT KHẨU VIỆT NAM

Để đánh giá về hiệu quả kinh doanh của các DN dệt may XK Việt Nam, tác giả sử dụng mẫu nghiên cứu là 47 DN dệt may XK (47 trên tổng số 50 DN dệt may niêm yết) có số liệu tài chính công bố công khai trong giai đoạn 2016-2020 niêm yết tại HOSE, HNX và Upcom. 47 DN trong mẫu nghiên cứu được phân loại theo tiêu thức quy mô DN, trong đó, nhóm DN quy mô lớn gồm 17 DN (với quy mô vốn > 1.000 tỷ đồng); nhóm DN quy mô trung bình gồm 18 DN (quy mô vốn trong khoảng 200-1.000 tỷ đồng) và nhóm DN quy mô nhỏ gồm 12 DN (quy mô vốn < 200 tỷ đồng). Kết quả như sau:

Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (BEP)

Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Số liệu ở Biểu đồ 2 cho thấy, BEP của các DN dệt may XK có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2016-2019 và đạt giá trị cao nhất vào năm 2018 với BEP bình quân của các DN là 9,1%. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, BEP của cả 3 nhóm DN đều có sự giảm sút mạnh, hầu hết DN đều đạt mức BEP mức thấp nhất trong cả giai đoạn nghiên cứu.

Theo quy mô, nhóm DN có quy mô trung bình có giá trị BEP bình quân lớn nhất (8,78%), tiếp đến là nhóm DN quy mô lớn (7,48%) và thấp nhất là DN có quy mô nhỏ (7,07%). Như vậy, BEP của các DN dệt may XK ở mức độ thấp với mức trung bình trong cả giai đoạn là 7,07% cho thấy, biên lợi nhuận trong các DN ngành dệt may XK không cao.

Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS)

Tương tự xu hướng biến động của BEP, thì ROS của các DN gia tăng trong giai đoạn 2016-2019 và sụt giảm mạnh trong năm 2020. ROS bình quân của các DN trong mẫu nghiên cứu đạt mức khá thấp tương ứng 3,01%. Xét theo quy mô DN, ROS của nhóm DN có quy mô nhỏ (< 200 tỷ đồng) mặc dù được cải thiện trong giai đoạn 2016-2020, nhưng đạt giá trị rất thấp, thậm chí có mức ROS trung bình âm liên tục trong 3 năm 2016-2018 (Biểu đồ 3). ROS của các DN dệt may ở mức thấp xuất phát từ đặc thù hoạt động kinh doanh do chi phí nguyên vật liệu và nhân công chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá trị hàng hóa. Tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần của 85% DN trong mẫu nghiên cứu lên đến trên 80%, vì vậy, sau khi bù đắp chi phí bán hàng và quản lý, chi phí lãi vay đối với các DN có năng lực tự chủ thấp, lợi nhuận sau thuế còn lại của các DN không đáng kể. ROS của các DN chỉ tăng lên trong những giai đoạn nền kinh tế có những biến động thuận lợi cho các DN khi các hiệp định thương mại được ký kết và mở rộng.

Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)

Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Số liệu trên Biểu đồ 4 cho thấy, ROE của các DN trong mẫu nghiên cứu đạt giá trị khá cao. Điều này cho thấy, các DN đã sử dụng khá hiệu quả tổng hợp các giải pháp tài chính, trong đó có tác động tích cực từ chính sách của đòn bẩy tài chính. ROE bình quân của các DN đạt ở mức 13,44%/năm, trong đó ROE cao nhất vào năm 2017 đạt 42,75%, thấp nhất đạt 6,1% vào năm 2020.

Xét theo quy mô DN, nhóm DN quy mô lớn, trung bình và nhỏ có ROE bình quân giai đoạn lần lượt đạt 15,23%, 17,1% và 3,67%.

Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Biểu đồ 5 so sánh ROE của các DN trong mẫu nghiên cứu với các chỉ tiêu trung bình trong giai đoạn 2016-2020 cho thấy, giá trị biến động rất mạnh trong 2 năm 2017 và 2018. Trong giai đoạn 2016-2020, có 2 năm 2017 và 2018, ROE các DN dệt may XK trong mẫu nghiên cứu cao hơn so với trung bình ngành, mức chênh lệch tương ứng là (3,37% và 3,02%); còn lại 3 năm là 2016, 2019 và 2020, thì ROE của các DN đó đều thấp hơn trung bình ngành, mức chênh lệch thấp lớn nhất là năm 2020 (ROE trung bình ngành cao hơn so với ROE các DN trong mẫu nghiên cứu là 11,37%).

Thu nhập một cổ phần thường (EPS)

Số liệu ở Biểu đồ 6 cho thấy, EPS của các DN dệt may XK đạt mức bình quân là 2.522,28 đồng; trong đó, các DN quy mô lớn có EPS cao nhất (bình quân giai đoạn là 2.723,74 đồng), sau đó đến DN quy mô trung bình và thấp nhất là DN có quy mô nhỏ (bình quân giai đoạn lần lượt là 2.583,83 đồng và 2.497,64 đồng).

Đặc biệt, năm 2019 và năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, kết quả kinh doanh của các DN dệt may XK bị ảnh hưởng nặng nề, từ đó ảnh hưởng đến EPS. Năm 2019 có 6/46 DN có EPS âm (riêng Công ty Cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Dệt may không tính EPS), thì đến năm 2020, có đến 9/46 DN có EPS âm.

Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Giai đoạn 2016-2020, EPS các DN có xu hướng tăng từ năm 2016 đến năm 2018 và giảm từ năm 2018 đến năm 2020, đây là hệ quả của tác động từ dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là, trong khi các DN trong mẫu nghiên cứu có xu hướng giảm EPS, thì EPS của ngành nói chung lại có xu hướng tăng. Trừ năm 2018 là năm được coi là có điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất đối với các DN dệt may XK, thì EPS từng năm của các DN trong mẫu đều thấp hơn so với ngành, chênh lệch lớn nhất là năm 2016 (2.448,72 đồng) và chênh lệch nhỏ nhất là năm 2017 (272,28 đồng) (Biểu đồ 7).

Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

MỘT SỐ KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý

Từ những phân tích về hiệu quả hoạt động của các DN dệt may XK trong giai đoạn 2016-2020 cho thấy, hiệu quả kinh doanh của các DN chịu ảnh hưởng đồng thời từ những yếu tố thuộc về môi trường kinh doanh cũng như các chính sách tài chính từ nội tại các DN. Cụ thể là:

Tác động từ môi trường kinh doanh: Hầu hết các chỉ tiêu tỷ suất sinh lời của các DN trong mẫu nghiên cứu đều gia tăng và đạt giá trị cao trong các năm 2017, 2018 chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng hoạt động XK của ngành dệt may cao trong giai đoạn này. Năm 2017, thặng dư thương mại ngành dệt may rất cao. Theo đó, năm 2017, XK toàn ngành dệt may đạt 31 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2016; trong khi nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 19 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2016 (Tổng cục Hải quan, 2018). Mặc dù XK dệt may gặp nhiều khó khăn trong 2 quý đầu năm 2017 sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP, nhưng đã phục hồi vào thời điểm cuối năm khi thặng dư thương mại của dệt may Việt Nam lại đạt mức cao kỷ lục, đứng đầu trong các ngành hàng XK và sẽ còn tăng trưởng, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Các đơn hàng XK sang Mỹ vẫn được ký đều đặn, trái với những dự báo trước đó về khả năng sụt giảm XK, bởi Mỹ đã rút lui khỏi Hiệp định TPP. Bên cạnh việc sản xuất những mặt hàng mới để khai thác các thị trường truyền thống, như: ASEAN, Đông Âu, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, các DN dệt may XK cũng đã linh hoạt, nhạy bén và nỗ lực tìm kiếm những thị trường tiêu thụ mới đánh dấu bằng việc lần đầu tiên XK sản phẩm may mặc sang thị trường Trung Quốc với giá trị khoảng 1 tỷ USD.

Ngoài ra, sau nhiều năm phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, ngành dệt may đã có được tỷ lệ nội địa hóa tăng rõ rệt. XK xơ sợi sản xuất trong nước năm 2017 đã vươn ra được nhiều thị trường XK lớn, đạt kim ngạch trên 3,5 tỷ USD. Ngoài ra, XK vải không dệt và nguyên phụ liệu cũng đạt 1,7 tỷ USD (Tổng cục Hải quan, 2018). Những kết quả này tiếp tục được duy trì giúp cho tốc độ tăng kim ngạch XK đã đạt mức cao nhất vào năm 2018.

Như vậy có thể thấy, môi trường kinh doanh, cụ thể là các chính sách kinh tế đối với lĩnh vực dệt may có tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DN. Vì vậy, các DN dệt may cần đánh giá được sự biến động của môi trường kinh doanh và các chính sách kinh tế, từ đó có những quyết định về đầu tư, kế hoạch kinh doanh phù hợp với điều kiện trong từng thời kỳ nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh của DN.

Tác động từ chính sách tài chính của DN: Sự khác biệt về các chỉ tiêu tỷ suất sinh lời của các DN phân loại theo quy mô cũng như trong từng DN cho thấy tác động của các giải pháp tài chính mà các DN áp dụng. Những DN với cơ cấu nguồn vốn hợp lý, khéo léo sử dụng đòn bẩy tài chính, quản trị chi phí tốt, đầu tư và sử dụng tài sản hiệu quả đạt ROE rất cao. Bên cạnh đó, vẫn còn DN quản trị đầu tư kém, sử dụng vốn chưa hợp lý và sử dụng đòn bẩy tài chính chưa tốt, nên ROE đạt mức thấp, nhiều năm thấp hơn trung bình ngành... Như vậy, ngoài những tác động chung trên thị trường, việc điều hành chính sách tài chính đối với các DN dệt may có vai trò vô cùng quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu gia tăng hiệu quả hoạt động trong các DN./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổng cục Hải quan (2017-2021). Thống kê Hải quan các năm, từ năm 2016 đến năm 2020, truy cập từ https://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan

2. HOSE, HNX và Upcom (2016-2020). Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bảng cân đối kế toán của các công ty dệt may XK niêm yết trên thị trường chứng khoán từ năm 2016-2020

Vũ Thị Kim Oanh - Trường Đại học Ngoại thương

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 22, tháng 8/2021)