Hoa Kỳ sẽ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí quân sự cho Việt Nam
Sáng 23/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama theo nghi thức đón nguyên thủ quốc gia.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23-25/5. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Barack Obama và là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ thứ ba tới Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 (sau Tổng thống Bill Clinton - năm 2000 và Tổng thống George W.Bush - năm 2006).
Tham dự lễ đón về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh, lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công an, Quốc phòng; lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội...
Về phía Hoa Kỳ có Ngoại trưởng John Kerry, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cùng các thành viên chính thức trong đoàn.
Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Trần Đại Quang tại buổi họp với báo chí
Sau lễ đón, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Tổng thống Barack Obama. Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, nhân chuyến thăm, hai bên đã đạt được một số kết quả và thỏa thuận quan trọng về kinh tế, thương mại, y tế, nhân đạo, giáo dục đào tạo, thực thi pháp luật và tư pháp…
Trong đó, đáng chú ý là việc Hoa Kỳ đã quyết định "dỡ bỏ hoàn toàn" lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
"Việt Nam đánh giá cao quyết định của Hoa Kỳ trong việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và đây là một bằng chứng rõ ràng cho thấy hai quốc gia đã bình thường hóa quan hệ hoàn toàn", Chủ tịch nước khẳng định tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí sẽ ưu tiên cao hơn việc giải quyết hậu quả chiến tranh và cam kết tiếp tục hợp tác tích cực trong vấn đề này. Mỹ sẽ hợp tác với Việt Nam để tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa sau khi hai nước kết thúc thành công dự án tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng.
Về phần mình, ông Obama tuyên bố: “Hoa Kỳ sẽ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí quân sự cho Việt Nam”. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng hành động này đã xóa đi "dấu tích dai dẳng của Chiến tranh Lạnh" và ông cũng nói hai nước đã "phát triển được tới một mức độ tin cậy và hợp tác."
Ông Obama nhấn mạnh: "Chúng ta đã trải qua những đối thoại khó khăn. Chúng tôi đánh giá rất cao hàng loạt nghị sĩ Mỹ như John Kerry và John McCain trong việc thúc đẩy đối thoại với Việt Nam. Trong thời gian qua, chúng ta thấy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng sâu sắc và mở rộng hơn.
Rõ ràng chúng ta không nên duy trì lệnh cấm vận nào cả. Tôi nghĩ, chúng tôi đã rất cân nhắc khi đưa ra quyết định này. Bởi việc gỡ bỏ lệnh cấm này sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam mua vũ khí từ Hoa Kỳ và từ các đồng minh của chúng tôi".
Tuy vậy, theo Tổng thống Mỹ, việc mua bán vũ khí vẫn cần có sự kiểm soát: "Tất nhiên chúng tôi sẽ giám sát rất chặt chẽ để mua bán vũ khí giữa các nước. Chúng tôi không muốn lệnh cấm này gây chia rẽ mối quan hệ giữa hai nước. Hai bên đã nỗ lực xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh, quốc phòng, tôn trọng lợi ích chung, khích lệ đối thoại hợp tác quân sự giữa hai nước trong thời gian vừa qua. Hoa Kỳ cử nhiều tàu hải quân đến các cảng của Việt Nam. Chúng tôi muốn mối quan hệ giữa hai nước ngày càng sâu sắc hơn".
Nhân dịp này, hai bên cũng ký kết các hiệp ước về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch; và lễ ký kết các dự án đầu tư tương lai. Trong đó, lễ ký kết các hiệp ước về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch gồm có: Biên bản ghi nhớ về Thay đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long; Hợp tác nghiên cứu hạ lưu sông Mê Kông; Biên bản ghi nhớ GE về phát triển 1.000MW điện gió; Thỏa thuận hợp tác dự án năng lượng mặt trời giữa First Solar và Thiên Tân; Hợp tác Chiến lược giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Honeywell; Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và công ty dầu Murphy; Biên bản ghi nhớ về Nhà máy Biomass Minnesota; Thỏa thuận Đào tạo An toàn Hạt nhân./.
Bình luận