Hoạt động giám sát phải làm đến nơi đến chốn…
Tất cả các quy hoạch đều được phê duyệt chậm
“Đến ngày 15/01/2022, Đoàn giám sát đã nhận đủ báo cáo của Chính phủ và các Bộ, tuy nhiên tiến độ gửi báo cáo của các địa phương vẫn còn chậm. Một số báo cáo còn thiếu nội dung, không đúng theo yêu cầu tại Đề cương….”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh cho biết, khi trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, tại Phiên họp thứ 8 diễn ra hôm nay (17/2), khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát này, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh, có báo cáo gửi đến Đoàn giám sát được ký ban hành không đúng thẩm quyền. Ảnh: QH |
Cũng theo ông Thanh, bước đầu tổng hợp báo cáo, đến nay hệ thống pháp luật về công tác quy hoạch sau khi Luật Quy hoạch được ban hành cơ bản đã được ban hành đầy đủ, nhưng có một số văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập… Đến nay, trong các quy hoạch cấp quốc gia mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt. Tất cả các quy hoạch đều được phê duyệt chậm hơn thời hạn ngày 31/12/2020 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 11/2018/NQ-CP về triển khai thi hành Luật Quy hoạch.
Về Kế hoạch hoạt động của Đoàn giám sát thời gian tới, ông ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Đoàn sẽ làm việc với một số Bộ liên quan như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải...; tổ chức làm việc với một số địa phương, lãnh đạo Chính phủ... |
Những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai lập, thẩm định, quyết định/phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh chủ yếu do những bất cập liên quan đến nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như các văn bản chỉ đạo, điều hành và các quy định pháp luật có liên quan.
Ngoài việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành liên quan đến quy hoạch quá chậm, các hạn chế khác phát sinh trong quá trình triển khai lập, thẩm định, quyết định/phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh gồm: Một số quy định pháp luật liên quan đến chi phí cho hoạt động quy hoạch được ban hành còn chậm; một số quy định hướng dẫn thi hành hoặc văn bản chỉ đạo của một số Bộ về nội dung và trình tự, thủ tục lập quy hoạch chưa đồng bộ, thống nhất với tinh thần đổi mới của Luật Quy hoạch và không phù hợp với nguyên tắc sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch đã được Quốc hội khóa 14 thông qua đã khiến các địa phương gặp nhiều lúng túng trong quá trình lập quy hoạch tỉnh…
Xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân
Thảo luận tại Phiên họp, một số thành viên UBTVQH cho rằng, trong quá trình giám sát cần quan tâm đánh giá việc xây dựng vận hành hệ thống thông tin và dữ liệu cho công tác quy hoạch quốc gia; việc điều chỉnh quy hoạch trong thực hiện quy hoạch...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, công tác giám sát năm 2022 được đặc biệt quan tâm... Ảnh: QH |
“Tinh thần hoạt động giám sát phải làm thiết thực, hiệu quả; giám sát phải làm đến nơi đến chốn, có những kết luật rõ ràng, minh bạch, quy rõ và xác định trách nhiệm, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân...”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hai vấn đề quan trọng đối với công tác quy hoạch là tiến độ và chất lượng. Do đó, đề nghị, Đoàn giám sát cần đánh giá kỹ về chất lượng công tác quy hoạch, không vì đẩy nhanh tiến độ mà giảm chú ý đến chất lượng công tác quy hoạch. Đề nghị bổ sung thêm cơ sở chính trị pháp lý của việc giám sát, chỉ rõ những vướng mắc trong quy định của văn bản pháp luật và đề xuất sửa đổi để tháo gỡ… |
Nhìn nhận tầm quan trọng của công tác quy hoạch, theo Chủ tịch Quốc hội, quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch đảm bảo tốt, đúng tiến độ mới tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, do đó Đoàn giám sát phải tập trung làm rõ những nội dung trọng tâm của mục tiêu giám sát; chỉ rõ danh mục văn bản pháp luật và thời hạn ban hành theo quy định của luật; đánh giá kỹ lưỡng chất lượng và tiến độ cụ thể của công tác quy hoạch…
“Cần có văn bản hỏa tốc gửi tất cả các đầu mối, các bộ, ngành và địa phương trong kế hoạch giám sát đã xác định, để đôn đốc thực hiện việc gửi báo cáo bởi đây là dữ liệu đầu vào của Đoàn giám sát…”, ông Vương Đình Huệ yêu cầu.
Liên quan đến kế hoạch hoạt động của Đoàn giám sát thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Đoàn giám sát có phương án làm việc cụ thể với các bộ, ngành có liên quan; đối với địa phương thì tiến hành khảo sát theo phương án chia tổ, lựa chọn cách thức khảo sát phù hợp bảo đảm chất lượng, có báo cáo đầy đủ, kịp thời… Cần tổ chức các tọa đàm cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, UBTVQH đề nghị Đoàn giám sát đánh giá việc thực hiện quy hoạch cũ kết nối với quy hoạch mới; chỉ rõ các quy hoạch treo, công bố thông tin công khai như thế nào; dự báo được hậu phê duyệt thì tác động như thế nào và việc điều chỉnh sẽ có vướng mắc gì không…, từ đó có kiến nghị cụ thể với Chính phủ và các bộ ngành. Đoàn giám sát tiếp tục rà soát, sớm có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo theo đúng yêu cầu và cần thiết nếu nơi nào chậm trễ phải đăng công khai trên các phương tiện truyền thông…/.
Bình luận