Theo HoREA, tại khoản 8, Điều 126, Luật Đất đai 2013 quy định thời hạn giao đất, cho thuê đất . Theo quy định tại Điều này, thì thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn có những mặt bất cập, chưa thật hợp tình hợp lý.

Cụ thể là đối với hầu hết các dự án bất động sản, sau khi đã hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, và đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thì chủ đầu tư được UBND cấp tỉnh ra quyết định giao đất, cho thuê đất và xác định thời hạn sử dụng đất (Phần lớn thời hạn sử dụng đất là 50 năm).

Sau đó, chủ đầu tư dự án tiến hành các thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, xin cấp giấy phép xây dựng và thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Sau khi hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư bắt đầu triển khai công tác xây dựng các hạng mục công trình của dự án. Toàn bộ các công việc này mất khoảng trên dưới 3 năm thì dự án mới hoàn thành, được nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Nhiều dự án bị bỏ hoang trong thời gian dài gây thiệt hại cho nhà đầu tư cũng như khách hàng

Theo HoREA, từ thời điểm đó, chủ đầu tư bàn giao nhà cho khách hàng và giữ lại phần thương mại, dịch vụ, văn phòng, căn hộ cho thuê để khai thác kinh doanh và mới bắt đầu có doanh thu, lợi nhuận. Như vậy, theo quy định trên thì thời hạn kinh doanh thực tế của dự án chỉ còn khoảng 47 năm.

Bên cạnh đó, HoREA cũng cho rằng, trong giai đoạn thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng, nhiều dự án đã bị "đắp chiếu, trùm mền", phát sinh hàng tồn kho và nợ xấu rất lớn. Thậm chí, có những dự án đã bị "đắp chiếu, trùm mền" hàng chục năm, sau khi được chủ đầu tư mới "giải cứu" thì thời hạn sử dụng đất còn lại của dự án đã bị giảm đi, có khi bị giảm hàng chục năm, gây thiệt hại cho chủ đầu tư và các nhà đầu tư thứ cấp, khách hàng.

Chính vì vậy, HoREA cho rằng, nếu quy định thời hạn sử dụng đất của dự án được tính kể từ ngày dự án đưa vào khai thác kinh doanh, thì vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, và trong các trường hợp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội sẽ xác định đúng giá trị dự án và làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, có những ý kiến quan ngại, nếu quy định thời hạn sử dụng đất tính từ ngày dự án đưa vào khai thác kinh doanh, thì sẽ xảy ra những trường hợp chủ đầu tư cố tình dây dưa kéo dài thời gian hoàn thành dự án. Do vậy, Hiệp hội nhận thấy, việc làm này sẽ gây hại trước hết cho chính chủ đầu tư do bị chôn vốn, mất cơ hội kinh doanh.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai, Luật Đầu tư cũng đã có nhiều quy định về nghĩa vụ của chủ đầu tư, và các biện pháp xử lý, chế tài, kể cả thu hồi đất dự án chậm triển khai, tịch thu tiền ký quỹ.../.