Huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh: Sẽ phát triển công cụ định giá, trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban bành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg. Chiến lược nhằm góp phần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Chiến lược đề ra 04 mục tiêu, đó là: (1) Giảm phát thải khí nhà kính trên GDP; (2) Xanh hóa các ngành kinh tế; (3) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và (4) Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Tiếp đó, tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Đây là một trong những cam kết mạnh mẽ nhất trong số các quốc gia có trình độ phát triển như Việt Nam.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu, tăng trưởng xanh và phát thải ròng bằng “0”, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040. Nếu có các chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng những hoạt động khử các-bon để đạt được mục tiêu phát triển sao cho phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Theo đó, nhu cầu đầu tư đầu tư sẽ tập trung lớn vào vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp. Các khoản đầu tư ngành sẽ cần được hỗ trợ bởi công cụ định giá, trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, hình thành và vận hành đầy đủ thị trường các-bon. Các công cụ này sẽ thay đổi hành vi và giúp huy động vốn cho quá trình chuyển đổi.
Hội thảo Huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh thông qua hoạt động trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon tại Việt Nam, tổ chức ngày 12/7. |
TS. Lê Việt Anh cho rằng, việc triển khai thị trường các-bon trong nước và thị trường quốc tế là một kênh huy động nguồn lực cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển công nghiệp phát thải thấp, đóng góp vào quá trình chuyển đổi mô hình nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, từ đó, thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Cục Biến đổi khí hậu, (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tại Việt Nam thị trường các-bon vẫn được xem là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính. Do đó, tham gia thị trường các-bon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít cac-bon, chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính.
Cũng tại hội thảo, bà Phạm Thu Thủy, Trưởng đại diện Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) nhấn mạnh, Việt Nam cần quan tâm tới thị trường các-bon rừng và Giảm phát thải khí nhà kính từ phá rừng và suy thoái rừng (REDD+). Bởi hiện nay, thị trường này chiếm 30% lượng phát thải toàn cầu. REDD+ được coi là chính sách chủ đạo của các đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs). Đồng thời, đây cũng là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát thải thấp, nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế sinh học.
Đối với Việt Nam, bà Phạm Thu Thủy cho hay, thị trường các-bon rừng và REDD+ mang đến nhiều cơ hội cả về xu thế thị trường, lợi ích tài chính cũng như ưu thế so với các nước khác trong cùng thị trường do Việt Nam có thể chế chính trị ổn định, tiềm năng thị trường các-bon giá trị cao và diện tích và chất lượng rừng ngập mặn và rừng trên cạn tiềm năng. Song, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, như: Cơ sở pháp lý không rõ ràng; nhiều dự án hoạt động > 10 năm mà không có nguồn thu nào từ các-bon; chỉ 50% dự án bán được carbon liên tục…
Trong thời gian tới, để tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu đề ra tại Chiến lược tăng trưởng xanh, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, TS. Lê Việt Anh khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để triển khai các giải pháp cụ thể, trong đó có các công cụ về định giá, trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, hình thành và vận hành đầy đủ thị trường cacbon nhằm đẩy mạnh thực chất việc huy động nguồn lực, nhằm xây dựng lộ trình tăng trưởng xanh gắn kết với phát triển kinh tế-xã hội có tính khả thi cao với tầm nhìn dài hạn cho toàn bộ nền kinh tế cũng như cho các ngành, lĩnh vực./.
Bình luận