IIP tháng 9/2017: “bệ đỡ” cho tăng trưởng
IIP đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm qua
Cụ thể IIP tháng 9/2017 ước tính tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng cao ở mức 19,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%; riêng ngành khai khoáng tiếp tục giảm 6%.(Biểu đồ).
Biểu đồ: IIP năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 |
Nhìn vào biểu đồ có thể thấy, mức tăng 13,2% là mốc tăng cao nhất tình từ tháng 02/2015. Đây được coi là mức tăng kỷ lục, bởi trong hơn 02 năm trở lại đây, mức tăng IIP thường duy trì ở mức trên dưới 8%, cá biệt có tháng chỉ đạt 0,7% (tháng 01/2017). Bên cạnh đó, thông thường qúy 3 hàng năm, các chỉ số kinh tế đều không có nhiều biến động lớn, mà chủ yếu tập trung trong quý 4. Với đà tăng này, tính chung cho cả năm 2017, IIP có thể vượt qua mức 7,5% cưa năm 2016.
Tính chung 9 tháng năm 2017, IIP tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7,1% của cùng kỳ năm 2016 và mức tăng 7,2% của 8 tháng năm nay (Trong đó: Quý I tăng 3,9%; quý II tăng 8,1%; quý III ước tính tăng 9,7%). Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%, đây là mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua, đóng góp 9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm mạnh 8,1%, làm giảm 1,8 điểm phần trăm mức tăng chung.
Xét theo công dụng của sản phẩm, các sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo) tăng 7,2%; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 8,4%, trong đó sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 8,3%; sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 8,4%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 25,1% (tập trung ở sản xuất điện thoại di động thông minh giá trị cao và linh kiện điện tử xuất khẩu toàn cầu), đặc biệt tăng mạnh trong quý III với mức tăng 45,5% (cao hơn mức tăng 5,9% của quý I và 23,5% của quý II), chủ yếu do Tập đoàn Samsung đầu tư mở rộng sản xuất các mặt hàng điện tử có giá trị cao với doanh thu dự kiến ngành điện tử cả năm 2017 đạt 1.188,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 2016; sản xuất kim loại tăng 21,4%, trong đó có sự đóng góp của Tập đoàn Formosa mới đi vào sản xuất (dự kiến năm 2017 sản xuất 1,5 triệu tấn thép thô với doanh thu 16,85 nghìn tỷ đồng); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 14,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 11,6%.
Trong 9 tháng năm nay, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Ti vi tăng 31,6%; sắt, thép thô tăng 28%; thép cán tăng 23,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 16,8%; phân urê tăng 15,9%. Một số sản phẩm tăng khá: Phân hỗn hợp NPK tăng 12,9%; thép thanh, thép góc tăng 11,6%; thủy hải sản chế biến tăng 9,4%; nước máy thương phẩm tăng 9,4%; quần áo mặc thường tăng 8,7%.
Bắc Ninh vươn lên vị trí số 1
Trong tháng này, Bắc Ninh giữ vị trí số 1 trong cả nước về tốc độ tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp, với mức tăng 25,1%; Hải Phòng tăng 20,1%; Thái Nguyên tăng 18,1%; Hải Dương tăng 11,2%; Vĩnh Phúc tăng 10,6%; Bình Dương tăng 9,5%; Đà Nẵng tăng 8,9%; Đồng Nai tăng 8,3%; TP. Hồ Chí Minh tăng 7,8%; Cần Thơ tăng 6,9%; Hà Nội tăng 6,7%; Quảng Ninh tăng 4,5%; Quảng Nam giảm 3,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,8%.
Bắc Ninh vượt qua Hải Phòng, Thái Nguyên để vươn lên vị trí số 1 về tốc độ tăng công nghiệp nhờ Tập đoàn Samsung |
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 08/2017 tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,8% so với 8 tháng năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 8,3%). Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Dệt tăng 31,7%; sản xuất kim loại tăng 22,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,4%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 15,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 15%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/09/2017 tăng 9,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2016 tăng 9%). Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất kim loại tăng 7,8%; sản xuất trang phục tăng 5,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 1,3%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 0,8%; dệt giảm 2,8%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 6,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 26,6%. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 08 tháng năm 2017 là 65,5% (cùng kỳ năm trước là 68,4%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 126,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 84,8%; sản xuất xe có động cơ 81,2%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/9/2017 tăng 4,6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 3,6%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7,5%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 4% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,2%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,5%.
Lao động trong các doanh nghiệp tại thời điểm 1/9/2017 so với cùng thời điểm năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Bắc Ninh tăng 24,8%; Hải Dương tăng 9,8%; Vĩnh Phúc tăng 8,5%; Bình Dương tăng 5,6%; Đồng Nai tăng 5,5%; Hải Phòng tăng 5,1%; Thái Nguyên tăng 4,4%; Hà Nội tăng 3,8%; Cần Thơ tăng 2,5%; TP. Hồ Chí Minh tăng 1,6%; Đà Nẵng tăng 0,7%; Quảng Nam tăng 0,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 0,3%./.
Bình luận