Kinh tế thế giới trong năm 2021 đã phục hồi sau giai đoạn đình trệ do đại dịch, nhưng lạm phát tăng mạnh, các nút cổ chai trong chuỗi cung ứng toàn cầu và sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 đã làm giảm động lực của sự phục hồi này. Đà tăng trưởng trong năm tới có thể sẽ yếu đi.

IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng 4,9% năm 2022
IMF ghi nhận, giá cả tăng vọt với nhiều hàng hóa như dầu mỏ, khí đốt và nguyên liệu thô
Nhiều thị trường chứng khoán đã lập các kỷ lục mới trong năm nay, nhưng các nhà đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương sẽ rút lại các chương trình kích thích và tăng lãi suất sớm hơn dự kiến để kiềm chế lạm phát.

Các nước đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng khi nỗ lực thoát khỏi suy thoái sâu trong năm 2020, nhưng một số nước phục hồi mạnh hơn các nước khác, khi các nước giàu tiếp cận vaccine tốt hơn.

Mỹ đã vượt qua được cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, trong khi nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro có thể trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 có thể làm cản trở quá trình phục hồi, với sự xuất hiện của biến thể Omicron đang gây ra những quan ngại mới. Theo các nhà phân tích của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's, đại dịch vẫn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với tỷ lệ tiêm chủng là 2,5%, kinh tế khu vực châu Phi phía Nam Sahara đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn. IMF cho rằng hầu hết các quốc gia mới nổi và đang phát triển vẫn có mức tăng trưởng dự báo thấp hơn nhiều so với trước đại dịch cho đến năm 2024. Các ngân hàng trung ương tại Brazil (Bra-xin), Nga và Hàn Quốc đã tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát, một động thái có thể sẽ cản trở tăng trưởng.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực tăng trưởng của toàn cầu, đang đối mặt với một loạt rủi ro như các ca nhiễm mới COVID-19, khủng hoảng năng lượng và những lo ngại về khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande.

Trong khi đó, lạm phát tăng lên các mức cao kỷ lục nhiều năm trên thế giới, khi người tiêu dùng mua sắm trở lại và các ngành sản xuất đối mặt với sự thiếu hụt hàng hóa.

Giá cả tăng vọt với nhiều hàng hóa như dầu mỏ, khí đốt và nguyên liệu thô. Các ngân hàng trung ương khẳng định sức ép lạm phát chỉ là hệ quả tạm thời khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường trong năm nay sau khi bị đình trệ trong năm ngoái.

Các thị trường chứng khoán đã lập các kỷ lục mới trong năm nay, nhưng các nhà đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương sẽ rút lại các chương trình kích thích và tăng lãi suất sớm hơn dự kiến để kiềm chế lạm phát.

Trong khi đó, các ngành công nghiệp đang phải nỗ lực để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh. Thương mại toàn cầu bị gián đoạn do thiếu container cho vận tải biển, tắc nghẽn tại các cảng và thiếu lao động. Mặc dù vậy, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 4,9% trong năm tới./.